Vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác hòa giải ở cơ sở
Hòa giải ở cơ sở là một hoạt động diễn ra thường xuyên tại mỗi cộng đồng dân cư và được thực hiện bởi những người có uy tín, có am hiểu pháp luật và các phong tục tập quán tốt đẹp các dân tộc. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, công tác hòa giải ở cơ sở đã được triển khai thực hiện từ rất sớm trên cơ sở pháp luật và kế thừa các tập tục, tập quán, văn hóa của mỗi dân tộc.
Đến nay, hoạt động này đã đi vào nền nếp, có trọng tâm trọng điểm và đạt một số kết quả rất đáng khích lệ như: tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở đạt cao (từ 77% trở lên, cá biệt có những đơn vị như huyện Lắk đạt tỷ lệ đến 90%); thường xuyên rà soát củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở (tính đến thời điểm này toàn tỉnh có 2.628 tổ hòa giải với 14.659 hòa giải viên, bảo đảm 100% khu hành chính trên địa bàn đều đã thành lập tổ hòa giải). Chất lượng đội ngũ hòa giải viên từng bước được cải thiện (có 427 hòa giải viên đã qua đào tạo chuyên môn luật, 6.817 hòa giải viên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ)… Hoạt động hòa giải ở cơ sở đạt hiệu quả sẽ giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Thực tế đã cho thấy, ở địa phương nào có nhận thức đúng đắn, quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức cho công tác hòa giải ở cơ sở thì ở nơi đó, công tác này đều đạt hiệu quả cao, tình hình an ninh – chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, đời sống tinh thần, vật chất của người dân ngày càng được nâng cao. Chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã có sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý công tác hòa giải ở cơ sở. Các địa phương đã chú trọng củng cố, kiện toàn tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở phù hợp với đặc điểm dân cư, địa lý của địa phương; bố trí cơ cấu, thành phần tổ hòa giải hợp lý; quan tâm xây dựng đội ngũ hòa giải viên tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, có uy tín, hiểu biết pháp luật, có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng. Các tổ hòa giải đã có sự phân công thành viên phụ trách cụm dân cư, thôn, buôn, tổ dân phố để kịp thời phát hiện, hòa giải các mâu thuẫn khi mới phát sinh, không nhất thiết phải đợi đơn yêu cầu hòa giải; đồng thời theo dõi, động viên, thuyết phục các bên thực hiện các nội dung của cuộc hòa giải thành để hạn chế các mâu thuẫn tái phát sinh.
Các thành viên tổ hòa giải của Ban tự quản thôn 2, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana gặp gỡ, trò chuyện với người dân trên địa bàn. Ảnh: N. Xuân |
Tuy nhiên, việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Về thể chế, chính sách, chưa có quy định mang tính ràng buộc, bắt buộc thực hiện những cam kết, thỏa thuận khi hòa giải thành làm hạn chế đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở; chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về trình tự tổ chức, tiến hành cuộc hòa giải của tổ hòa giải, của hòa giải viên nên khi thực hiện còn gặp khó khăn, lúng túng, thiếu thống nhất; việc xác định trách nhiệm của UBND cấp xã đối với hoạt động hòa giải chưa thật rõ ràng dẫn đến có nơi cho rằng tổ hòa giải do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quản lý.
Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến việc chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác hòa giải dẫn đến kết quả công tác này ở một số nơi đạt thấp, số vụ việc hòa giải không thành còn chiếm tỷ lệ khá cao; công tác hướng dẫn, kiểm tra hoạt động hòa giải ở cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên; công tác thi đua khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình có nhiều thành tích trong công tác hòa giải chưa được các cấp quan tâm kịp thời; sự phối hợp với các cơ quan có liên quan, nhất là Mặt trận đôi lúc chưa thật chặt chẽ; việc bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cấp xã chưa được thực hiện thường xuyên và có chất lượng đã ảnh hưởng đến năng lực và hiệu quả hoạt động của hòa giải viên. Một số đơn vị còn nhầm lẫn cho rằng hòa giải tại UBND cấp xã cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hòa giải ở cơ sở, nhất là khi hoạt động hòa giải ở cơ sở có liên quan đến hòa giải tranh chấp đất đai (theo Luật Đất đai năm 2013), dẫn đến đùn đẩy, kéo dài, gây khó khăn cho người dân khi có yêu cầu thụ lý vụ việc liên quan đến giải quyết tranh chấp đất đai; kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở tuy đã được quan tâm, nhưng còn hạn hẹp, chưa huy động được các nguồn lực xã hội tham gia hỗ trợ kinh phí cho công tác này.
Diễm Hằng
(Sở Tư pháp)
Ý kiến bạn đọc