Đa dạng hình thức tuyên truyền về an toàn giao thông
Bằng việc đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), thời gian qua, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an tỉnh đã góp phần đáng kể trong việc kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông...
Những năm gần đây, số vụ TNGT xảy ra ở khu vực nông thôn đang có chiều hướng tăng cao và diễn biến ngày càng phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là do sự hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành Luật GTĐB của một bộ phận người dân chưa cao hoặc do sự tiếp cận các thông tin về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) còn nhiều hạn chế, từ đó dẫn đến tình trạng người dân có tâm lý chủ quan, coi nhẹ các biện pháp bảo đảm ATGT, coi nhẹ tính mạng của chính bản thân mình và người khác.
Qua phân tích nguyên nhân các vụ TNGT nghiêm trọng, các cơ quan chức năng xác định, lỗi chủ yếu là do người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm quy định về nồng độ cồn, lái xe khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có Giấy phép lái xe... Đối với phương tiện giao thông là máy kéo nhỏ, xe công nông, các lỗi vi phạm chủ yếu là chở hàng hóa, nông sản cồng kềnh, chở người ngồi trên thành thùng xe không bảo đảm an toàn, xe không đăng ký đăng kiểm, người điều khiển không có Giấy phép lái xe hạng A4 theo quy định. Nguy hiểm hơn, tình trạng này không chỉ diễn ra ở khu vực nông thôn mà còn diễn ra khá phổ biến trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, rất nhiều phương tiện xe công nông lưu thông theo kiểu “mạnh ai nấy đi” nên nguy cơ TNGT luôn tiềm ẩn...
Một buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tại huyện Krông Bông. Ảnh: T. Hùng |
Nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do TNGT gây ra, thời gian qua, Phòng CSGT thường xuyên, liên tục triển khai nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến những điều cơ bản của Luật GTĐB, Nghị định 46/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB; thông báo tình hình TNGT trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng; trình chiếu những thước phim tư liệu về các vụ TNGT nghiêm trọng; giảng giải, phân tích cho cho bà con biết hành vi đúng sai, quy định về xử lý các hành vi vi phạm...
Để tránh sự nhàm chán, khô khan trong công tác tuyên truyền Luật GTĐB, đồng thời giúp bà con dễ nhớ, dễ hiểu, lực lượng CSGT đã lồng ghép bằng việc tổ chức biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ, hài kịch được dàn dựng theo hình thức sân khấu hóa do các diễn viên của Trung tâm Văn hóa thực hiện; tổ chức các trò chơi, hỏi đáp kiến thức pháp luật về ATGT có thưởng đã thu hút đông đảo bà con tham gia, giúp buổi tuyên truyền diễn ra trong không khí sôi nổi... Anh Y Sân Ksơr (trú tại xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) cho biết, nhờ nội dung phong phú, cách truyền đạt dễ hiểu nên dù chỉ diễn ra trong những khoảng thời gian ngắn nhưng buổi tuyên truyền đã giúp bà con hiểu biết thêm những quy định của pháp luật về TTATGT. Mong muốn các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, qua đó giúp người dân, nhất là lứa tuổi thanh - thiếu niên nắm được nhiều kiến thức để tham gia giao thông được an toàn.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Phòng CSGT phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức được 50 buổi nói chuyện chuyên đề về TTATGT, thu hút 21.963 lượt người tham gia; tổ chức gặp mặt, tuyên truyền vận động 21 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô tại địa bàn huyện Ea Kar và M’Đrắk (khoảng 500 phương tiện) ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về TTATGT và quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa… |
Trung tá Nguyễn Quang Vịnh, Trưởng Phòng CSGT - Công an tỉnh cho biết: “Dự báo, thời gian tới, tình hình TTATGT có những diễn biến phức tạp, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao. Vì vậy, để kiềm chế, kéo giảm TNGT, Phòng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT; đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Qua đó, nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật GTĐB của người dân và giúp họ tham gia giao thông có văn hóa, bảo vệ tính mạng cho mình và cho nhiều người cùng tham gia giao thông”.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc