Để xe công nông không còn là "nỗi ám ảnh" của người đi đường
09:30, 16/08/2018
Xe công nông là phương tiện chủ yếu phục vụ cho việc sản xuất và vận chuyển nông sản của bà con nông dân, nhất là ở các địa bàn vùng sâu vùng xa. Vì vậy, việc đào tạo, thi sát hạch cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển các loại xe công nông, xe máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg (hạng A4) hiện là vấn đề cấp thiết; tuy nhiên, công tác này ở huyện Cư M'gar vẫn chưa được chú trọng thực hiện và gặp rất nhiều khó khăn.
Xe công nông, xe máy kéo được người dân sử dụng vào rất nhiều mục đích như vận chuyển nông sản, hàng hóa, phân bón, chở người đi làm nên hầu như hộ nông dân nào trên địa bàn huyện Cư M’gar cũng có. Cũng vì sự thuận tiện của loại xe này nên thời gian qua, không ít người dân đã tự độ chế lại xe trái pháp luật để phục vụ cho các mục đích khác nhau.
Tuy nhiên, có một thực trạng đáng lo ngại là người lái xe công nông, xe máy kéo thì nhiều nhưng số người có giấy phép lái xe hạng A4 thì hầu như rất ít. Chưa được đào tạo, không nắm được các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông nhưng người điều khiển xe công nông vẫn vô tư điều khiển phương tiện trên khắp các tuyến đường từ huyện đến tận các thôn, buôn. Trong khi đó, nhiều xe công nông đã khá cũ kỹ, không bảo đảm an toàn khi lưu thông, không có đèn chiếu sáng vào ban đêm, không đèn tín hiệu xi-nhan khi sang đường… Đó cũng là lý do xe công nông, xe máy kéo là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm trên địa bàn huyện.
Trung tá Nguyễn Trọng Quyết, đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự - Cơ động Công an huyện Cư M’gar cho biết: “Đối tượng điều khiển xe công nông, xe máy kéo không có giấy phép lái xe khá đông và là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông trên địa bàn. Việc vi phạm Luật Giao thông đường bộ của xe công nông, xe máy kéo rất phổ biến như: không chú ý quan sát, chạy không đúng phần đường quy định…”.
Một vụ tai nạn liên quan đến xe công nông ở xã Ea Tar (huyện Cư M’gar). |
Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện Cư M'gar đã xảy ra 18 vụ tai nạn và va chạm giao thông liên quan đến xe công nông khiến 8 người chết, 11 người bị thương. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra 8 vụ tai nạn và va chạm giao thông liên quan đến xe công nông làm 2 người bị tử vong và 5 người bị thương.
Đơn cử như: vào ngày 23-5-2018 đã xảy ra vụ tai nạn giữa xe công nông và xe mô tô tại đường liên xã thuộc địa phận thôn 3, xã Cư M'gar. Vào thời điểm trên, Lê Đức Cường (SN 1990, ở thôn Hiệp Đạt, xã Quảng Hiệp) điều khiển xe mô tô kiểm soát 47 L7 – 6700 đi từ hướng xã Quảng Hiệp về xã Cư M'gar, khi đến địa phận thôn 3 (xã Cư M'gar) đã va chạm với xe công nông không biển kiểm soát do Nông Văn Sự (SN 1977, ở thôn 12, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) điều khiển từ đường nhánh ra đường chính. Hậu quả, Lê Đức Cường bị thương nặng; nguyên nhân vụ tai nạn được xác định do Nông Văn Sự điều khiển xe công nông không nhường đường khi từ đường nhánh ra đường chính…
Nhằm tạo điều kiện cho người điều khiển xe công nông, xe máy kéo được đào tạo, thi sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4, năm 2014, huyện Cư M'gar đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề số 5 (Bộ Quốc phòng cơ sở tại Đắk Lắk) tuyển sinh mở được 5 lớp đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe hạng A4 cho trên 500 người tại các xã Cuôr Đăng, Ea Đrơng, Ea Kpam và Quảng Tiến. Từ đó đến nay, huyện Cư M'gar không mở thêm được bất cứ lớp nào về đào tạo, thi sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 cho người dân.
Trung tá Nguyễn Trọng Quyết giải thích: Hiện nay, việc mở thêm các lớp đào tạo và thi sát hạch để cấp giấy phép hạng A4 trên địa bàn huyện rất khó vì nhiều nguyên nhân khác nhau như: các trung tâm đào tạo thi sát hạch về giấy phép lái xe chưa có kế hoạch xuống tận cơ sở để đào tạo, đặc biệt là tại những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Các trang thiết bị máy móc, địa điểm tổ chức ở huyện chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo. Công tác phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân tự giác tham gia đăng ký đào tạo, thi sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 hiệu quả chưa cao, chưa thu hút đủ số lượng học viên đăng ký…
Thiết nghĩ, các cơ quan ban, ngành đoàn thể từ huyện đến cơ sở cần phối hợp mở lớp và tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia đăng ký đào tạo, thi sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 nhằm góp phần hạn chế và kéo giảm các vụ tai nạn, va chạm giao thông liên quan đến xe công nông để loại xe này không còn là “nỗi ám ảnh” đối với người dân khi tham gia giao thông.
Một khó khăn nữa là việc xử lý vi phạm đối với người điều khiển xe công nông rất khó khăn bởi mức phạt khá cao nhưng người vi phạm lại chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, việc vận chuyển những chiếc xe công nông, xe máy kéo vi phạm về trụ sở để xử lý rất khó, tốn nhiều thời gian.
H’Xiu Êban
Ý kiến bạn đọc