Multimedia Đọc Báo in

Khi "nghiện" chụp ảnh đăng mạng xã hội…

08:21, 04/08/2018

Từ khi điện thoại thông minh trở nên phổ biến rộng rãi kéo theo số người dùng mạng xã hội tăng lên nhanh chóng, nhiều người bỗng dưng thích chụp ảnh đăng lên mạng xã hội, thích tới mức nghiện.

Mà đã nghiện thì bất cứ cái gì cũng trở thành đề tài để chụp, đăng rồi ngồi đợi bình luận và đếm like. Rồi cũng chỉ vì mục đích có nhiều like mà nhiều người sẵn sàng hứa hẹn kiểu như 1000 like sẽ đi … đốt trường và đã đi đốt thật! Số like là ảo nhưng hậu quả lại là thật. Chỉ có điều chừng ấy vụ việc đáng buồn chưa khiến những con nghiện đếm like trên mạng xã hội phải suy nghĩ đắn đo mỗi khi đăng tải thông tin, hình ảnh trên Facebook.

Vụ việc Giấy đăng ký kết hôn của cặp đôi cô dâu 61 tuổi chú rể 26 tuổi ở phường Sông Bằng, TP. Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) bất ngờ bị đăng công khai trên mạng xã hội trước khi đến được tay của chủ nhân như một giọt nước tràn ly, khiến người trong cuộc bất bình phẫn nộ khi bỗng dưng bị tung hê đời tư lên mạng xã hội. Cuộc sống đang êm ấm của chị Sao - cô dâu 61 tuổi bỗng hứng chịu nhiều sóng gió vì quá nhiều người lạ mặt trên Facebook buông lời cay nghiệt về cuộc hôn nhân mới của chị. Chị Sao mệt mỏi: “Tôi không chịu đựng được những lời nói như thế. Tôi nghĩ tại sao gần cuối đời mình có chút hạnh phúc nhỏ nhoi như thế mà nhiều người lại muốn đạp đổ đi? Nếu vợ chồng tôi không đứng vững, không dựa vào động viên nhau thì có còn tồn tại được hạnh phúc nhỏ nhoi này không?”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quá bức xúc vì đời tư bỗng dưng bị soi mói, phán xét cay nghiệt nên chị Sao đã làm đơn tố cáo Phòng Tư pháp phường Sông Bằng vì đã tự ý cung cấp thông tin bảo mật của cá nhân trong khi chưa được sự đồng ý của vợ chồng chị.

Rõ ràng trong sự việc này những người có nhiệm vụ liên quan đến quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của công dân đã tự ý tiết lộ thông tin của người khác mà không thèm quan tâm đến hậu quả cho dù thừa biết thông tin về cô dâu 61 tuổi chú rể 26 tuổi đương nhiên sẽ gây “bão mạng”. Ai mà không biết cư dân mạng vốn dĩ rất nhạy cảm với những thông tin kiểu như vậy, sẵn sàng làm “anh hùng bàn phím” bình luận và cả… bình loạn cho nhân vật chính phải lên “ghế nóng”!?. Cuộc hôn nhân vốn đã đặc biệt của họ nay lại được cư dân mạng “góp gió tạo bão” nên càng thêm đặc biệt hơn! Những tổn thất về tinh thần của họ ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Cho dù sau khi chị Sao gửi đơn tố cáo hành vi làm lộ thông tin cá nhân của Phòng Tư pháp phường Sông Bằng thì  nữ cán bộ địa chính tên H. - người đã chụp ảnh Giấy đăng ký kết hôn của vợ chồng anh chị chia sẻ lên Zalo sau đó có người lấy lại đăng tải lên Facebook - đã nói lời xin lỗi nhưng lý do mà nữ cán bộ này đưa ra khó có thể thông cảm được. Theo nữ cán bộ này cô đã chụp lại Giấy đăng ký kết hôn và gửi lên nhóm Zalo để trêu bạn bè trong nhóm vì trong nhóm này có một số phụ nữ cao tuổi chưa lập gia đình, với mục đích nói rằng chị Sao lớn tuổi còn lấy được chồng tử tế thì họ sợ gì không lấy được. Tại sao lại có thể đem chuyện hôn nhân của người khác ra làm chuyện đùa cợt trêu chọc nhau?!

Sự việc này thêm một lần nữa đặt ra câu hỏi về văn hóa ứng xử của một số cán bộ công tác ở cơ quan hành chính gần với dân nhất là UBND xã, phường. Vì sao với trình độ học vấn và vị trí công tác đó người ta lại có thể có cách hành xử theo tôi là vô cảm với người dân như thế? Đừng cho rằng chỉ có hành vi giết người đốt nhà mới là nghiêm trọng mà ngay cả việc biến một người dân bình thường trở thành “miếng mồi ngon” trên Facebook cho cư dân mạng mổ xẻ cũng có mức độ nghiêm trọng không kém. Mong sao sau vụ việc này mỗi người sẽ phải chùn tay suy nghĩ kỹ trước khi gửi cho bạn bè hay đăng tải bất cứ hình ảnh, thông tin nào lên Facebook của mình.

Lại Thị Ngọc Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.