Multimedia Đọc Báo in

Nhiều phụ huynh ở huyện Krông Búk vẫn coi nhẹ việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ

09:09, 09/10/2018

Mặc dù pháp luật đã quy định rất rõ là trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều bậc phụ huynh vẫn đang còn thờ ơ, chưa quan tâm vấn đề này.

Dạo qua một số cổng trường tiểu học, THCS trên địa bàn các xã ở Krông Búk như: Cư Pơng, Ea Sin, Cư Né..., không khó để bắt gặp hình ảnh phụ huynh đưa đón con mà không trang bị MBH cho trẻ. Có người còn chở 3-4 cháu nhưng chỉ có một cháu đội mũ, thậm chí tất cả đều không đội mũ. Nguyên nhân không đội MBH cho trẻ khi đi xe máy được nhiều người giải thích với lý do như: “Do buổi sáng vợ tôi đưa các cháu tới trường, chiều đi làm về tiện đường nên tôi đón con luôn nên không có mũ”; “Từ trường đến nhà chỉ cách nhau vài trăm mét nên tôi nghĩ việc đội MBH không cần thiết lắm”; “Đội MBH làm cho trẻ vướng víu, khó chịu”... Điều này cho thấy nhiều phụ huynh chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đội MBH cho trẻ nên thực hiện còn thiếu nghiêm túc.

Một phụ huynh không đội MBH cho trẻ khi tham gia giao thông.
Một phụ huynh không đội MBH cho trẻ khi tham gia giao thông.

Chính vì một bộ phận không nhỏ người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đội MBH nên khi tai nạn giao thông xảy ra đã để lại hậu quả rất nặng nề và trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi cho biết bao gia đình. Điển hình là mới đây, ông P.D.H. ở thôn Độc Lập, xã Chư Kpô điều khiển xe mô tô không đội MBH, khi đi đến địa phận thôn Quảng Hà, xã Chư Kpô thì bị ngã, đập đầu vào tảng đá bên đường tử vong. Nguyên nhân được xác định là do ông H. không chú ý quan sát và không đội MBH khi tham gia giao thông.

 
“Để hạn chế thấp nhất những rủi ro, các bậc phụ huynh cần ý thức được việc đội MBH cho trẻ khi tham gia giao thông bằng xe máy, mô tô là bảo vệ an toàn cho chính gia đình mình chứ không phải chỉ để tránh bị xử phạt”.
 
Thượng tá Đỗ Đức Quang, Phó Trưởng Công an huyện Krông Búk

Thượng tá Đỗ Đức Quang, Phó Trưởng Công an huyện Krông Búk cho biết, theo ước tính hiện đã có gần 80% người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy chấp hành tốt việc đội MBH. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em từ 6 tuổi trở lên đội MBH vẫn còn thấp, nhất là trên các tuyến đường liên thôn, liên xã và những nơi lực lượng chức năng không thường xuyên tuần tra, kiểm soát. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm không đội MBH cho trẻ em còn gặp nhiều khó khăn do ý thức chủ quan của phụ huynh luôn tìm cách đối phó và phải mất nhiều thời gian để lực lượng chức năng xác định độ tuổi của trẻ.

Được biết, để nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện quy định đội MBH cho trẻ, từ năm 2009 đến nay, Công an huyện Krông Búk đã phối hợp với chính quyền địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức hơn 120 buổi tuyên truyền, phổ biến quy định bắt buộc đội MBH cho gần 74.000 lượt người từ trung tâm huyện đến các thôn, buôn, trường học; kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp trao tặng hàng nghìn MBH đạt chuẩn cho trẻ em nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Cô Vũ Thị Thu Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (xã Cư Né) cho biết, ngay từ đầu năm học mới, nhà trường đã tổ chức ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ giữa phụ huynh, học sinh và nhà trường; giữa nhà trường với Công an huyện. Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở học sinh việc bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy thông qua các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp. Tuy nhiên, việc chấp hành của phụ huynh và học sinh vẫn chưa cao.

Cảnh sát giao thông Công an huyện Krông Búk xử lý một trường hợp vi phạm.
Cảnh sát giao thông Công an huyện Krông Búk xử lý một trường hợp vi phạm.

Theo Thượng tá Đỗ Đức Quang, đội MBH là biện pháp hiệu quả nhất góp phần giảm số người bị thương và tử vong do tai nạn giao thông gây ra. Chính vì vậy, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng và việc giám sát của nhà trường thì trước tiên, các bậc phụ huynh cần ý thức được tầm quan trọng của việc đội MBH cho trẻ, từ đó nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ để các cháu noi theo.

Như Quỳnh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.