Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: Báo động tình trạng độ chế xe máy trái phép

10:15, 02/01/2019

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Krông Búk xuất hiện tình trạng thanh thiếu niên (TTN) sử dụng phương tiện xe gắn máy đã được độ chế tham gia giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn, thậm chí cả trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn huyện). Đây là những phương tiện không bảo đảm điều kiện về an toàn kỹ thuật nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), gây bức xúc trong nhân dân.

 Những chiếc xe máy cũ nát, không có giấy tờ hợp lệ được các TTN đưa đến tiệm sửa chữa xe máy yêu cầu thay đổi hệ thống phanh, lốp, còi, đèn chiếu sáng, đục số khung, số máy hoặc đôn zên, xoáy nòng... lắp ráp lại thành một chiếc xe mới hoàn toàn rồi dùng làm phương tiện tham gia giao thông. Anh Võ Xuân Ánh, Phó trưởng Công an xã Cư Né cho biết, trên địa bàn xã hiện nay có một bộ phận TTN tự làm thay đổi hiện trạng xe và thường xuyên sử dụng chạy lạng lách trong buôn làng, gây bức xúc trong nhân dân. Để hạn chế tình trạng này, Công an xã cử lực lượng xuống địa bàn phối hợp với Ban tự quản thôn, buôn tuyên truyền, nhắc nhở, giáo dục chung; đồng thời yêu cầu các gia đình không giao xe cho con em mình khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông.

Lực lượng Công an xã Cư Né tuyên truyền người dân không sử dụng xe máy độ chế tham gia giao thông.
Lực lượng Công an xã Cư Né tuyên truyền người dân không sử dụng xe máy độ chế tham gia giao thông.

Điều đáng nói là hầu hết các chủ xe độ chế đều biết điều đó là hành vi vi phạm pháp luật. Anh Y Tiêu Niê (ở buôn Thía, xã Cư Né) là một trong những TTN sử dụng xe độ chế, gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT) từng bị lực lượng chức năng xử phạt chia sẻ: “Tôi biết sử dụng loại xe này là vi phạm pháp luật nhưng vì có rẫy cà phê ở xa nên thường dùng để vận chuyển cà phê về nhà hoặc chở phân bón lên rẫy. Muốn chở được nhiều, xe chạy khỏe thì phải độ lại xe, với chi phí từ 2-7 triệu đồng. Thỉnh thoảng tôi có dùng xe này để đi theo đám bạn trong xóm chạy trên các tuyến đường trong buôn”. Sau khi được tuyên truyền, giải thích, Y Tiêu đã nhận thức được hành vi sai trái của mình và hứa sẽ đưa xe máy ra tiệm để sửa lại như hiện trạng ban đầu, không tái phạm nữa.

 Các xe độ chế mặc dù không bảo đảm an toàn kỹ thuật nhưng nhiều TTN vẫn dùng chạy ra đường với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, rú ga, nẹt pô inh ỏi gây mất trật tự và nguy cơ mất an toàn giao thông khiến người dân bức xúc. Thiếu tá Nguyễn Văn Nam, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an huyện Krông Búk cho hay: “Không riêng gì ở địa bàn xã Cư Né mà ở một số xã trong huyện như Cư Pơng, Pơng Đrang cũng xuất hiện trường hợp TTN tự độ chế chiếc xe máy của mình rồi tham gia giao thông. Trước tình trạng đó, Đội CSGT đã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, đặc biệt tại các khu vực thường xuyên tụ tập các TTN có biểu hiện đua xe, cổ vũ đua xe trái phép; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong năm 2018, Đội CSGT đã tổ chức 9 ca tuần tra kiểm soát vào ban đêm, phát hiện và xử lý 150 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, thu giữ 19 xe máy độ chế, thu nộp Kho bạc Nhà nước trên 150 triệu đồng; đồng thời mời hàng chục đối tượng vi phạm lên ký cam kết không tái phạm”.

Tình trạng TTN sử dụng xe máy độ chế tham gia giao thông trên địa bàn xã Cư Né diễn ra khá phổ biến.
Tình trạng TTN sử dụng xe máy độ chế tham gia giao thông trên địa bàn xã Cư Né diễn ra khá phổ biến.

 Theo Đại tá Đỗ Văn Xuyền, Trưởng Công an huyện Krông Búk, người điều khiển phương tiện xe máy độ chế chủ yếu là TTN trình độ nhận thức pháp luật về trật tự ATGT còn hạn chế và thường chạy vào ban đêm. Việc xử lý các trường hợp này cũng gặp không ít khó khăn, bởi khi thấy bóng dáng CSGT, các đối tượng thường chạy trốn, nếu truy đuổi gắt có thể đối tượng tự té hoặc gây tai nạn cho người đi đường. Do đó, lực lượng CSGT phải dùng đến biện pháp nghiệp vụ như: hóa trang, ghi lại số xe, nhận dạng kẻ vi phạm... để xử lý sau. Thời gian tới, Công an huyện sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý loại phương tiện này; rà soát, lập danh sách các cửa hàng buôn bán phụ tùng xe, cho chủ tiệm sửa chữa xe máy ký cam kết không tiếp tay hoặc độ xe; tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng xe máy độ chế...

 Tình trạng TTN ở các thôn, buôn trên địa bàn huyện Krông Búk sử dụng các xe độ chế tham gia giao thông trên đường thời gian qua không những gây phức tạp cho tình hình trật tự ATGT mà còn tạo cơ hội cho kẻ gian tiêu thụ phụ tùng cũng như xe máy của các vụ trộm cắp. Thiết nghĩ, bên cạnh trách nhiệm của lực lượng chức năng, cần có sự phối hợp đồng bộ của các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương; đồng thời gia đình thường xuyên quan tâm đến con cái để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, góp phần kiềm chế TNGT...

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.