Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả mô hình "Gia đình không có người thân nghiện ma túy"

06:53, 20/07/2019

Nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong cộng đồng nói chung, phụ nữ nói riêng đối với công tác phòng chống tệ nạn ma túy, mô hình “Gia đình không có người thân nghiện ma túy” của Chi hội phụ nữ thôn 6A, xã Ea Wy (huyện Ea H’leo) đang từng bước phát huy hiệu quả thiết thực.

Thời gian qua, tình trạng thanh, thiếu niên sống buông thả, bỏ nhà đi qua đêm, ăn chơi đua đòi và nhất là sử dụng trái phép chất ma túy diễn ra hết sức phức tạp trên địa bàn thôn. Đây cũng là điều kiện để bọn tội phạm dễ lợi dụng, dụ dỗ lôi kéo các em vào con đường phạm tội. Theo thống kê, thôn 6A có 15 đối tượng nghiện và nghi nghiện ma túy, không ít phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có con em trong nhóm nguy cơ cao dẫn đến tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

Xác định việc quản lý giáo dục con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội là một trong những nội dung quan trọng để hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” và thể hiện vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình, vào tháng 9-2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã và Công an xã Ea Wy đã khảo sát thực trạng ở thôn 6A, xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình và tham mưu cho UBND xã Ea Wy ra quyết định thành lập, công nhận Ban chỉ đạo mô hình “Gia đình không có người thân nghiện ma túy”. Đến tháng 11-2017, mô hình chính thức được ra mắt và đi vào hoạt động với 46 thành viên tham gia.

Chị Nông Thị Huệ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 6A (bên trái) đến tận nhà người dân  trong thôn để tuyên truyền về tác hại của ma túy.
Chị Nông Thị Huệ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 6A (bên trái) đến tận nhà người dân trong thôn để tuyên truyền về tác hại của ma túy.

Chị Nông Thị Huệ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 6A, Chủ nhiệm mô hình chia sẻ, ban đầu khi mới đi vào hoạt động, mô hình gặp rất nhiều khó khăn vì các đối tượng nghiện trên địa bàn đều là con nghiện lâu năm, không có việc làm ổn định, điều kiện gia đình lại khó khăn nên rất khó vận động, thuyết phục đi cai nghiện… Song với ý chí quyết tâm, Hội LHPN xã, Chi hội Phụ nữ thôn đã phối hợp với lực lượng Công an bám sát địa bàn, gần gũi với chị em để có thể trao đổi, trò chuyện, hướng dẫn, vận động mọi người tham gia. Nhờ sự kiên trì của Ban chỉ đạo và Chủ nhiệm mô hình mà các thành viên tham gia đã cung cấp thông tin về đối tượng sử dụng, tàng trữ ma túy trên địa bàn thôn cho lực lượng Công an xã, Công an huyện. Đồng thời, Ban chỉ đạo mô hình đã phối hợp với Công an xã lập hồ sơ đề nghị đưa các đối tượng đi cai nghiện và cải tạo theo quy định của pháp luật.

Bà Hứa Thị Sin, thành viên của mô hình chia sẻ, gia đình bà có một người con trai nghiện ma túy từ năm 2015. Năm 2017 gia đình bà bắt đi cai, nhưng sau đó về lại tái nghiện. Nhận thấy tác hại quá lớn của ma túy đến bản thân con cũng như cả gia đình, bà đã tham gia vào mô hình và tiếp tục kiên trì động viên con đi cai nghiện. Đồng thời, bà Sin cũng thường xuyên tuyên truyền cho người dân trong thôn về tác hại của tệ nạn ma túy mà chính gia đình bà là một minh chứng để mọi người nhìn vào.

Chị Nông Thị Huệ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 6A, Chủ nhiệm mô hình (bên phải) chia sẻ cùng thành viên mô hình.
Chị Nông Thị Huệ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 6A, Chủ nhiệm mô hình (bên phải) chia sẻ cùng thành viên mô hình.

Từ khi thành lập đến nay, mô hình luôn duy trì nền nếp, chế độ sinh hoạt hằng tháng và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Trong các kỳ sinh hoạt, Ban Chủ nhiệm luôn mời Bí thư Chi bộ, Ban Công tác mặt trận, Trưởng thôn… tham dự nhằm kịp thời tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về nguy cơ, tác hại của tệ nạn xã hội, các biện pháp phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS… để các thành viên trong Chi hội hiểu, chủ động phòng ngừa, quản lý, giáo dục con em mình. Đặc biệt, tiêu chí phòng chống ma túy được thôn đưa vào để bình xét gia đình văn hóa hằng năm.

Đồng thời, Ban chủ nhiệm thường xuyên phân công các thành viên đến từng hộ gia đình có đối tượng nghiện hút ma túy, trực tiếp tìm hiểu, gặp gỡ, vận động đối tượng đi cai nghiện tại các trung tâm và tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng. Kết quả qua gần 2 năm triển khai, đã có 2 đối tượng được đưa đi cai nghiện tập trung; 1 đối tượng được gia đình động viên, giúp đỡ tự cai nghiện tại nhà và đến nay trên địa bàn không phát sinh người nghiện mới. Bà con trong thôn cũng đoàn kết, gắn bó hơn trước và yên tâm lao động sản xuất.

Chị Hoàng Thị Hải, Chủ tịch Hội LHPN xã đánh giá, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, mô hình “Gia đình không có người thân nghiện ma túy” ở thôn 6A đã thực sự trở thành một địa chỉ tin cậy của bà con nhân dân và chị em phụ nữ trong thôn. Mô hình không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, sức mạnh của cộng đồng, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số về trách nhiệm của bản thân đối với việc quản lý, giáo dục con em trong gia đình mà còn thực hiện tốt Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” và chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Mô hình đã và đang nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo hội viên phụ nữ và bà con trong thôn.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.