Multimedia Đọc Báo in

Mạnh tay ngăn chặn "sa tặc"

09:14, 31/07/2019

Trước tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra phức tạp, hủy hoại nghiêm trọng tài nguyên môi trường, thời gian qua, Công an tỉnh đã triển khai đợt cao điểm đồng loạt ra quân xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết bến bãi, kinh doanh cát sỏi trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 18 công ty, doanh nghiệp, đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát. Nhưng thực tế qua công tác kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện ở những đơn vị này vẫn còn nhiều vi phạm như: khai thác vượt công suất cho phép để trốn thuế; khai thác gần bờ, khai thác ngoài vị trí ranh giới được cấp phép; sử dụng trái phép đất nông nghiệp để làm bến bãi tập kết cát; sử dụng phương tiện tự chế, tàu khai thác chưa được đăng ký đăng kiểm để khai thác và số tàu sử dụng khai thác nhiều hơn trong đề án được cấp phép… Địa bàn xảy ra vấn nạn cát tặc chủ yếu ở lưu vực các con sông Krông Ana, Krông H’năng, Ea H’leo, Krông Nô, Krông Pắc thuộc các huyện Cư Kuin, Krông Bông, Lắk, Krông Ana, Krông Pắc, Ea Kar và M'Đrắk.

Lực lượng Công an xử lý xe chở cát vi phạm.
Lực lượng Công an xử lý xe chở cát vi phạm.
 

Thời gian qua, Công an tỉnh đã tăng cường công tác nắm, phát hiện và xử lý cương quyết các hoạt động khai thác cát trái phép. Nếu phát hiện trái phép lập tức tham mưu cho chính quyền xóa bỏ ngay; nếu cần thiết thì đề xuất rút giấy phép đối với công ty đó. Công tác kiểm tra không chỉ một lần, định kỳ mà tiến hành kiểm tra đột xuất, nhiều lần nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm. Để ngăn chặn hiệu quả nạn khai thác cát trái phép, ngoài lực lượng Công an, rất cần vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay cho các chủ khai thác cát…”.

 
Đại tá Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh

Theo Đại úy Đặng Ngọc Phương, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự - kinh tế - ma túy - môi trường (Công an huyện M’Đrắk), hiện nay trên địa bàn huyện M’Đrắk không có doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác cát, nên mọi hành vi khai thác cát trên địa bàn huyện đều là vi phạm. Về thủ đoạn, các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, sử dụng đầu bơm Đông Phong, ráp độ chế đóng trên các phà có 8 thùng phi, tiến hành hút trực tiếp lên bán cho các xe 6 - 12 m3. Chúng còn bố trí người cảnh giới nên khi lực lượng chức năng nắm được đối tượng vận chuyển thì khi vào đến khu vực khai thác, các đối tượng thả phà khai thác cát ra sông, hoặc trút cát trên đường bỏ chạy gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý, ghi nhận hiện trường. Tình trạng này trước đây chỉ có ở các đối tượng khai thác lâm sản.

Còn Thiếu tá Y Linh Mlô, Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông (Công an huyện Ea Kar) nhận định: Các xe chở cát thường vận chuyển cát không có hóa đơn nên các đối tượng thường trốn tránh lực lượng. Cụ thể, các đối tượng thường vận chuyển lúc trời mưa hoặc lúc các tổ giao ca cho nhau nên gây khó khăn cho việc phát hiện xử lý.

Trước thực trạng đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Giám đốc Công an tỉnh, toàn lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh đã và đang tăng cường công tác nắm, phát hiện và xử lý cương quyết các hoạt động khai thác cát trái phép. Các đơn vị tập trung chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Kinh tế, Cảnh sát Môi trường; trong đó lực lượng Cảnh sát Môi trường làm chủ công phối hợp với công an xã rà soát tất cả các tổ chức cá nhân đang được cấp phép khai thác cát sỏi trên địa bàn; kiểm tra 18 công ty nằm rải rác ở các huyện về thời gian cấp phép, số lượng cấp phép khai thác cũng như thời gian khai thác, khu vực, tuyến sông được cấp phép…

Lực lượng chức năng làm việc với các đối tượng vi phạm.
Lực lượng chức năng làm việc với các đối tượng vi phạm.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý được 122 vụ khai thác cát trái phép với nhiều đối tượng; qua đó thu giữ hơn 4.500 m3 cát tang vật cùng nhiều tàu, thuyền, công cụ máy móc vi phạm.

Quốc Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.