Multimedia Đọc Báo in

Ngăn chặn buôn bán, tàng trữ trái phép pháo: Chế tài chưa đủ sức răn đe?

09:41, 02/08/2019

Mặc dù buôn bán, vận chuyển tàng trữ trái phép pháo là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự nhưng vi phạm ở lĩnh vực này vẫn diễn ra phức tạp trên địa bàn tỉnh.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, pháo nổ vào địa bàn tỉnh tiêu thụ chủ yếu từ các tỉnh có cửa khẩu quốc tế phía Bắc và một số tỉnh phía Nam lên như TP. Hồ Chí Minh. Các đối tượng thường sử dụng xe tải, xe khách và cả xe chuyên dùng để vận chuyển mặt hàng này và chạy tốc độ cao, rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng để tẩu thoát khi bị kiểm tra. Thay vì vận chuyển với số lượng lớn thì chúng xé nhỏ ra dưới 6 kg để không bị xử lý trách nhiệm hình sự nếu bị phát hiện, xử lý.

Hoạt động của các đối tượng buôn lậu diễn ra tinh vi, với thủ đoạn thường thấy là giấu pháo nổ trong những ngăn được thiết kế riêng biệt, bí mật trong xe ô tô hoặc chứa pháo nổ trong các thùng hàng tiêu dùng, ngụy trang với lớp vỏ ngoài cùng là hàng hóa khác; thường xuyên thay đổi phương tiện, cách thức vận chuyển, mua bán, tàng trữ để né tránh sự kiểm tra, kiểm soát...

Thời gian qua, công tác đấu tranh ở lĩnh vực này được các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường. Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng chủ động nắm chắc tình hình, sử dụng đồng bộ những biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ, nhưng tình hình vẫn không thuyên giảm. 6 tháng đầu năm 2019, các ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện, điều tra, xử lý 59 vụ, với 61 đối tượng vi phạm pháp luật, trong đó đề nghị xử lý hình sự 21 vụ, với 20 đối tượng, xử lý vi phạm hành chính 23 vụ, với 25 đối tượng, phạt hành chính gần 150 triệu đồng, chuyển cơ quan khác xử lý 15 vụ, với 16 đối tượng. Đồng thời, tịch thu trên 805 kg pháo các loại.

Một vụ vận chuyển pháo về địa bàn TP. Buôn Ma Thuột để tiêu thụ bị cơ quan chức năng phát hiện, tạm giữ.
Một vụ vận chuyển pháo về địa bàn TP. Buôn Ma Thuột để tiêu thụ bị cơ quan chức năng phát hiện, tạm giữ.

Theo Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, trước đây, các loại pháo (pháo nổ, pháo hoa...) thuộc danh mục hàng cấm, người nào tàng trữ, buôn bán, sản xuất sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2014 được sửa đổi, bổ sung và chính thức có hiệu lực từ 1-1-2017 thì lại quy định chỉ có “kinh doanh pháo nổ” mới là ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh, còn kinh doanh các loại pháo khác là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (tức không thuộc danh mục hàng cấm). Do đó, người buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ thì bị xử lý hình sự nhưng đối với pháo hoa và các loại pháo khác thì chỉ bị xử lý hành chính. Từ đó, rất dễ dẫn đến việc bùng phát tình trạng nhập pháo hoa có xuất xứ từ Trung Quốc về địa bàn để tiêu thụ.

Ông Nguyễn Đào Chí, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành thường trực 389 của tỉnh cho hay, thực tế quá trình kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến pháo, khi tiến hành trưng cầu giám định, đa số vụ việc đều xác định là pháo hoa, không có đặc tính của pháo nổ nên cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý hành chính. Lợi dụng quy định này, nhiều đối tượng đã quay sang buôn bán, vận chuyển pháo hoa để kiếm lời. Việc xử lý vi phạm hành chính đối với pháo hoa chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm, trong khi nhiều loại pháo hoa có mức độ nguy hiểm gần như pháo nổ nhưng chỉ có thể tịch thu và xử lý hành chính. Chính việc không bị xem xét xử lý hình sự khiến tình trạng buôn lậu mặt hàng này càng trở nên phức tạp.

Trong khi đó, công tác tuyên truyền không kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo gặp nhiều khó khăn; đối tượng vi phạm biết là sai nhưng vẫn thực hiện hành vi vi phạm vì hám lợi. Ở góc độ người tiêu dùng, một bộ phận không nhỏ người dân do tâm lý, thói quen đốt pháo trong các dịp lễ, Tết nên vẫn mua bán, sử dụng.

Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh yêu cầu các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh quyết liệt với những hành vi vi phạm. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, đưa những loại pháo hoa mà khi đốt có phát ra tiếng nổ, màu sắc, ánh sáng vào danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. Có như vậy, công tác đấu tranh, xử lý tình trạng buôn lậu pháo mới  có thể đạt hiệu quả.

Theo quy định tại Điều 190 và 191, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 thì pháo nổ là mặt hàng cấm, do vậy tất cả các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ sẽ bị xử lý hình sự khi bảo đảm yếu tố định lượng. Theo đó, hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 6 kg đến dưới 40 kg hoặc dưới mức trên nhưng có tình tiết định khung như tái phạm, chưa xóa án tích... là đã phạm vào khoản 1 Điều 190 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù từ 1- 5 năm.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.