Tạo hành lang pháp lý bảo đảm thực thi hoạt động tư vấn, giám sát và phản biện xã hội
Ngày 12-12-2013, Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội (ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW) và Quy định về việc MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (ban hành kèm theo Quyết định số 218-QĐ/TW).
Các văn bản này đã tạo sự thay đổi trong nhận thức, là cơ sở chính trị để MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ tư vấn, giám sát và phản biện xã hội, đáp ứng những yêu cầu bức thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian qua, hoạt động tư vấn, giám sát và phản biện xã hội đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn chế đối với các dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước; từ đó có những kiến nghị nhằm thực hiện đúng và có hiệu quả hơn các dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật.
Thực tế cho thấy, qua hoạt động tư vấn, giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, đã có nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng ở các cấp trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện; nhiều kiến nghị sau phản biện đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện. Qua đó, tạo không khí dân chủ, đồng thuận trong nhân dân, động viên nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của các địa phương và đất nước.
Hội LHPN tỉnh giám sát thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình tại UBND huyện Cư Kuin. Ảnh: P.Len |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác tư vấn, giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp còn có một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, về cơ chế, mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, quy định của Hiến pháp về tư vấn, giám sát và phản biện xã hội, nhưng nhìn chung hoạt động triển khai xây dựng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động này còn thực hiện khá chậm trễ, chưa đồng bộ.
Hiện nay, chủ thể tư vấn, giám sát và phản biện xã hội gồm có MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội. Đối với hoạt động của MTTQVN thì đã được điều chỉnh bởi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; còn các tổ chức chính trị - xã hội nói chung chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định và điều chỉnh một cách trực tiếp và toàn diện về vấn đề này, chỉ có hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam được điều chỉnh bởi Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...
Cần nghiên cứu, xác lập địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân và tạo quyền tự chủ nhằm tránh trường hợp các chủ thể tư vấn, giám sát và phản biện xã hội chịu sự chi phối từ cơ quan Nhà nước dẫn đến không khách quan trong việc đánh giá các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước cũng như các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, đảm bảo quốc phòng - an ninh của Đảng và Nhà nước. |
Bên cạnh đó, nhận thức về tư vấn, giám sát và phản biện xã hội còn nhiều hạn chế; vẫn còn có quan niệm chưa đúng về công tác tư vấn, giám sát và phản biện xã hội, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tổ chức thực hiện hoạt động tư vấn, giám sát và phản biện xã hội. Mặt khác, cơ chế hiện nay chưa rõ ràng, cụ thể để xây dựng được một lực lượng tư vấn, giám sát và phản biện xã hội chuyên nghiệp. Hệ thống tổ chức chưa hoàn thiện; đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, giám sát và phản biện xã hội chưa được đào tạo chuyên sâu; điều kiện về cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng hiện nay chưa được đầu tư là những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng tư vấn, giám sát và phản biện xã hội...
Thiết nghĩ, để bảo đảm thực thi hoạt động tư vấn, giám sát và phản biện xã hội một cách hiệu quả, cần xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tư vấn, giám sát và phản biện xã hội để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho các chủ thể phản biện xã hội thực hiện tốt chức năng tư vấn, giám sát và phản biện xã hội, bảo đảm cho hoạt động này phát huy được hiệu quả. Trước mắt, có thể xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này ở tầm nghị định của Chính phủ. Đồng thời, nghiên cứu quy định hoạt động “tư vấn, giám sát và phản biện xã hội” theo hướng đối với một số trường hợp coi là một trình tự, thủ tục bắt buộc khi xây dựng các dự án pháp luật, các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, đảm bảo quốc phòng - an ninh của Đảng và Nhà nước.
Song song với đó, cần cải cách đơn giản thủ tục hành chính để có thể chủ động nguồn kinh phí trong hoạt động tư vấn, giám sát và phản biện xã hội. Quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền đối với các đối tượng cần đặt hàng để có sự tham gia tư vấn, giám sát và phản biện xã hội. Đồng thời, cần tăng cường đảm bảo nguồn lực cho hoạt động tư vấn, giám sát và phản biện xã hội; trong đó, tập trung phát triển nâng cao trình độ, kỹ năng phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, giám sát và phản biện xã hội thông qua công tác tập huấn, bồi dưỡng, có chính sách động viên, ghi nhận giá trị đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật.
Nguyễn Tuấn Quang
(Sở Tư pháp)
Ý kiến bạn đọc