Multimedia Đọc Báo in

Hoạt động hòa giải tại cơ sở ở huyện Cư M'gar: Góp phần hóa giải mâu thuẫn, thắt chặt tình đoàn kết

07:44, 07/09/2019

Huyện Cư M’gar hiện có 189 tổ hòa giải cơ sở, với 1.225 hòa giải viên ở các thôn, buôn, tổ dân phố. Hoạt động của các tổ hòa giải đã góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp mới phát sinh.

Từ năm 2014 đến nay, các tổ hòa giải, hòa giải viên trên địa bàn đã tiếp nhận 1.639 vụ tranh chấp, mâu thuẫn của người dân, qua đó tiến hành hòa giải thành công 1.264 vụ việc, đạt tỷ lệ hơn 77%.  Nổi lên trong đó là những tranh chấp thuộc các lĩnh vực dân sự, đất đai, môi trường, hôn nhân và gia đình… xuất phát từ những mâu thuẫn rất nhỏ.

Có thể kể đến như vụ việc của ông Lê Đình C. và ông Nguyễn Văn Th. tại thôn 1, xã Cư M’gar. Trước đó, gia đình ông Lê Đình C. có trồng một số cây chuối trên phần đất trống trước mặt nhà. Thế nhưng, vì được trồng cạnh mương nước chảy nên mỗi khi trời mưa, các cây chuối lớn lên đã chặn lối thoát nước, khiến nước chảy tràn vào nhà của ông Nguyễn Văn Th. ở phía đối diện. Vì sự khó chịu này nên ông Th. đã chặt phá một số cây chuối của gia đình ông Lê Đình C. Nhờ có sự can thiệp kịp thời của chính quyền địa phương và tổ hòa giải, ông Th. đã nhận ra việc làm của mình là sai trái và xin lỗi ông Lê Đình C.

Các hòa giải viên cơ sở tham gia Hội thi hòa giải viên giỏi xã Ea Drơng, huyện Cư M'gar  năm 2018.
Các hòa giải viên cơ sở tham gia Hội thi hòa giải viên giỏi xã Ea Drơng, huyện Cư M'gar năm 2018.

Về phía mình, ông Lê Đình C. cũng cam đoan sẽ không để những cây chuối làm chặn lối thoát nước khiến nước chảy tràn vào nhà hàng xóm của mình nữa. Hay như vụ việc vay mượn tiền giữa bà Lê Thị H. với gia đình ông Bùi Văn Kh. cùng trú tại thôn 5, xã Cư Dliê Mnông. Trước đó, vì là chỗ quen biết, gia đình ông Bùi Văn Kh. có vay của bà H. một số tiền mà không cần phải có tài sản thế chấp với mức lãi suất thỏa thuận theo lãi suất ngân hàng và quy ước sẽ trả dần trong vòng 2 năm.

Đến kỳ hạn trả, bà Lê Thị H. đòi lại tiền, nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn nên gia đình ông Bùi Văn Kh. chỉ trả được một phần và hứa sẽ trả dần dần. Giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn, bà Lê Thị H. có đơn trình báo lên chính quyền địa phương. Nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương cộng với sự thuyết phục, hòa giải của tổ hoà giải cơ sở, bà H. đã thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Kh. và đồng ý cho gia đình ông được trả số nợ còn lại trong thời gian 3 năm. Phía gia đình ông Kh. cam kết sẽ trả nợ đúng hạn, cả tiền gốc lẫn số lãi phát sinh căn cứ theo lãi suất ngân hàng hiện thời.

Các hòa giải viên tham gia Hội thi hòa giải viên giỏi huyện Cư M'gar năm 2018.
Các hòa giải viên tham gia Hội thi hòa giải viên giỏi huyện Cư M'gar năm 2018.

Những vụ hòa giải thành công tại cơ sở có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, tạo mối quan hệ làng xóm, gia đình, cộng đồng ngày càng tốt đẹp. Song công tác này yêu cầu sự mềm dẻo, linh hoạt của hòa giải viên cơ sở, có sự kết hợp hài hòa giữa cái lý và cái tình để xoa dịu các mâu thuẫn.

Ông Nguyễn Đức Hải, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Cư M'gar cho hay, ý thức rõ vai trò quan trọng của hòa giải viên cơ sở nên công tác bồi dưỡng kiến thức, nâng cao chất lượng đội ngũ này luôn được huyện chú trọng thực hiện. Thời gian qua, huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho hòa giải viên cơ sở bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, tập huấn nghiệp vụ, trợ giúp pháp lý lưu động; in ấn, cấp phát tài liệu, bản tin tư pháp, tờ rơi tuyên truyền; tổ chức hội thi “Hòa giải viên giỏi” từ cấp xã đến cấp huyện, rồi tham gia thi cấp tỉnh, thu hút trên 1.000 hòa giải viên tham gia để cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong việc hóa giải mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh tại cộng đồng dân cư.

Trong 5 năm (2014 - 2019) trên địa bàn huyện Cư M'gar đã có 35 lớp tập huấn được tổ chức với hơn 2.700 người tham gia; các ban ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn của huyện cũng tổ chức lồng ghép tại những hội nghị, sinh hoạt của tổ chức đoàn thể, họp dân, phát động quần chúng, đối thoại… để tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành cho hơn 37.670 lượt người.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.