Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng khi trang bị xe đạp điện cho con trẻ

08:49, 06/10/2019

Buổi trưa tan học, một nữ sinh lớp 5 vừa điều khiển chiếc xe đạp điện ra khỏi cổng trường thì bị các bạn nam cùng lớp trêu chọc, giữ chặt yên sau xe không cho chạy tiếp. Thay vì xuống xe, em học sinh nữ cố sức vặn ga. Chiếc xe đột ngột phóng thẳng ra đường khi các bạn nam buông tay. Ngay lập tức, em học sinh ấy bị một chiếc xe ô tô 7 chỗ đi ngang qua hất văng lên nắp capô, rơi xuống đường, bất tỉnh.

Sự việc trên vừa xảy ra vào giữa tuần qua tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) trước sự chứng kiến của nhiều phụ huynh, học sinh và bảo vệ nhà trường. Em học sinh được đưa đến bệnh viện kịp thời và rất may đã qua khỏi nguy hiểm.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Người viết bài này nhớ lại vụ tai nạn cách đây khoảng 4 - 5 năm trước. Một cậu bé học xong tiểu học được bố mẹ gom góp tiền mua cho một chiếc xe đạp điện để tự đến trường trong năm học mới. Hôm đó, trong lúc bố mẹ còn mải ở lại thanh toán tiền với chủ cửa hàng, cậu bé háo hức chở em trai về trước trên chiếc xe mới. Dọc đường, hai anh em vừa đi vừa đùa giỡn. Cậu em kéo ghì yên xe, còn em thì tăng ga. Và rồi cậu em tuột tay, chiếc xe đạp cùng cậu bé phóng vọt ra giữa lòng đường. Một chiếc xe tải không tránh kịp đã cướp đi sinh mạng của em.

Hiện nay, pháp luật chưa quy định về độ tuổi được phép điều khiển xe đạp điện khi tham gia giao thông nên nhiều gia đình vẫn vô tư trang bị loại xe này cho con tự đến trường mà không lường hết những rủi ro có thể xảy ra. Những đứa trẻ mới 11, 12 tuổi dẫu có được giáo dục các kỹ năng tốt đến đâu cũng chưa thể nào đủ thể chất và khả năng xử lý các tình huống khi điều khiển một phương tiện có gắn động cơ. Những sự việc nêu trên là lời cảnh báo cho các bậc phụ huynh khi trang bị xe đạp điện cho con cái, không quên nhắc nhở đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. 

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.