Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pắc: Phập phồng nỗi lo cháy chợ

08:52, 08/10/2019

Trước tình hình cháy nổ ở các chợ có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, Công an huyện Krông Pắc đã tiến hành tổng kiểm tra các chợ trên địa bàn huyện. Kết quả cho thấy 100% chợ đều vi phạm những quy định về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), trong đó có nhiều chợ vi phạm những lỗi nghiêm trọng.

Kiểm tra chợ Ea Kly, chợ tự phát, hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước, có diện tích gần 4.200 m2 với khoảng 200 hộ kinh doanh, lực lượng chức năng phát hiện hàng loạt vi phạm. Ngoài việc không có hồ sơ thiết kế xây dựng, chợ chưa lắp đặt hệ thống chiếu sáng sự cố, hệ thống báo cháy tự động… Ban quản lý chợ cũng chưa quan tâm, bố trí kinh phí trang bị phương tiện phục vụ công tác PCCC đầy đủ, theo đúng quy định, nhiều bình chữa cháy quá niên hạn sử dụng, không còn tác dụng.

Không những vậy, chợ còn không chủ động được nguồn nước phục vụ chữa cháy tại chỗ mà phải lấy từ nguồn nước sinh hoạt của Công ty 719, trong khi đó theo quy định tất cả các chợ phải xây dựng bể chứa nước riêng, có máy bơm nước, đường dẫn, vòi, lăng. Bên cạnh đó, chợ cũng chưa lắp đặt hệ thống cung cấp điện, đường dây chung, các hộ kinh doanh đã tự ý câu mắc điện từ hộ lân cận, hệ thống dây điện chằng chịt, nguy cơ chập điện, xảy ra cháy nổ rất cao.

Tiêu lệnh chữa cháy, ổ cắm điện tại chợ Phước An được tận dụng để treo quần áo.
Tiêu lệnh chữa cháy, ổ cắm điện tại chợ Phước An được tận dụng để treo quần áo.

Tương tự, tại chợ Ea Phê, chợ có quy mô lớn gồm 253 quầy hàng cũng có hàng loạt vi phạm như chưa trang bị các phương tiện, dụng cụ phá dỡ, cứu nạn cứu hộ theo quy định; Ban quản lý chợ chưa lập hồ sơ theo dõi hoạt động cứu nạn cứu hộ; tình trạng các tiểu thương lấn chiếm, bày bán hàng hóa, cản trở phương tiện, xe chữa cháy tiếp cận hiện trường trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn; vật tư, hàng hóa không được bố trí hợp lý, sắp xếp khoa học, theo từng chủng loại, dễ cháy lan khi có hỏa hoạn xảy ra; lực lượng chữa cháy cơ sở cũng chưa tiến hành thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cơ sở định kỳ theo quy định…

Tại chợ Phước An, chợ trung tâm huyện Krông Pắc có diện tích hơn 8.500 m2 với 450 hộ, quầy, sạp kinh doanh, ngoài những vi phạm phổ biến như: tiểu thương tự ý cơi nới, ngăn che, làm mái vẩy, lều bạt ảnh hưởng đến giao thông, lối thoát nạn thì người dân còn tự ý câu móc điện, cáp kỹ thuật, vô tư treo quần áo, vải vóc lên các bảng điện, ổ điện, khả năng xảy ra chập điện, gây hỏa hoạn rất cao. Cùng với đó, hệ thống báo cháy tự động, chống sét tại chợ tuy đã được lắp đặt nhưng không có tác dụng, bởi không được bảo dưỡng, kiểm tra thường xuyên.

Đáng lưu ý, dù đây là chợ có quy mô lớn nhất, song phương tiện phục vụ công tác chữa cháy còn thiếu khi chợ chỉ mới trang bị một máy nổ được cải tiến từ máy nổ động cơ diezen và một máy bơm động cơ điện, không đủ áp lực phun nước. Theo ông Nguyễn Đình Phước, Trưởng Ban quản lý chợ Phước An, để có thể trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC theo đúng yêu cầu thì cần có nguồn kinh phí lớn lên đến hàng trăm triệu đồng, trong khi đó các khoản thu của chợ chỉ đủ trang trải cho công tác quản lý.

Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an huyện Krông Pắc kiểm tra các cơ sở kinh doanh gas tại chợ.
Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an huyện Krông Pắc kiểm tra các cơ sở kinh doanh gas tại chợ.

Tình trạng vi phạm các lỗi tương tự cũng xảy ra tại các chợ: Ea Knuếc, Vụ Bổn, Krông Búk, Tân Tiến, Hòa Tiến, Hòa An, Ea Uy, Ea Kênh và chợ Km 42. Trong tổng số 12 chợ trên địa  bàn huyện thì có tới 10 chợ (trừ chợ Phước An và Ea Phê) đều chưa có nguồn nước phục vụ chữa cháy tại chỗ, trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn phải lấy nước từ các ao hồ, suối xung quanh.

Theo nhận định của Trung tá Đặng Huy Thái, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an huyện) thì đây là một trong những thiếu sót rất nghiêm trọng, bởi vì nguồn nước phục vụ cho công tác chữa cháy phải luôn được ưu tiên hàng đầu để trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp cũng như cơ sở chủ động được nguồn nước, dập tắt đám cháy, góp phần giảm thiểu  thiệt hại về người, tài sản.

Trước những bất cập, hạn chế, yếu kém trong công tác PCCC tại các chợ, trước mắt Công an huyện Krông Pắc đề xuất UBND huyện chỉ đạo cơ quan chủ quản, Ban quản lý các chợ khẩn trương khắc phục, chấn chỉnh những vi phạm bên cạnh việc xem xét, giải quyết, bố trí kinh phí trang bị hệ thống, phương tiện, dụng cụ PCCC cho các chợ, góp phần đảm bảo an toàn PCCC, phòng ngừa nguy cơ hỏa hoạn tại các chợ.

Hiện tại 12/12 chợ của huyện Krông Pắc đều chưa mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định. Nguyên nhân là do các chợ chưa đáp ứng đủ điều kiện an toàn về PCCC nên không một doanh nghiệp nào dám bán bảo hiểm. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho các tiểu thương, bởi trong trường hợp rủi ro xảy ra hỏa hoạn họ sẽ không được đền bù.

 

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.