Nóng bỏng cuộc chiến chống tội phạm trên không gian mạng
Thông qua Internet, tội phạm công nghệ cao đã thực hiện nhiều hành vi phạm pháp như: tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá, đánh cắp thông tin cá nhân để rút tiền tài khoản ngân hàng, lừa đảo huy động tiền ảo...
Chuyên án trinh sát bí danh B618
Mùa giải World Cup 2018 cống hiến cho người hâm mộ bóng đá những trận cầu đỉnh cao, nhưng cũng là thời điểm nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng mạng Internet để tổ chức đánh bạc, cá độ trực tuyến.
Qua nắm tình hình, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) đã phát hiện một nhóm thanh niên ở huyện Krông Pắc do Ngô Văn Tâm (SN 1988, trú tại tổ dân phố 11, thị trấn Phước An) cầm đầu thường xuyên tổ chức đánh bạc và đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá qua mạng Internet. Số tiền giao dịch hằng ngày của nhóm này lên tới hàng trăm triệu đồng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân. Trước tình hình đó, lãnh đạo Công an tỉnh lập Chuyên án trinh sát bí danh B618 nhằm triệt phá.
Bước đầu, chuyên án xác định đối tượng Tâm nhận tài khoản chủ Master tên TVV30Q với 50.000 điểm (có giá 14.000 đồng/điểm) từ Thái Quang Hùng (SN 1980, hộ khẩu thường trú thôn 5, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Từ Master, Tâm tạo các tài khoản nhỏ hơn, giao cho đồng bọn với giá 25.000 đồng/điểm và chia cho các con bạc trực tiếp cá cược với giá 50.000 đồng/điểm để hưởng lợi. Từ ngày 18-6-2018 đến 25-6-2018, số điểm giao dịch của tài khoản Master do Tâm quản lý là 49.156 điểm (tương ứng hơn 2 tỷ đồng). Trong đó, Master hiển thị âm 4.971 điểm - tức số điểm Tâm thắng các con bạc (hơn 200 triệu đồng).
Cảnh sát điều tra kiểm chứng chữ ký giả mạo. |
Để thu thập được đầy đủ chứng cứ, các trinh sát đã âm thầm theo sát từng cử chỉ, hành động của nhóm bọn tội phạm này bất kể ngày đêm. Cuối tháng 6-2018, khi Tâm đang cùng với đồng bọn mở tài khoản Master bằng điện thoại smartphone tính điểm thắng thua, nhóm trinh sát đã bất ngờ ập tới khống chế, ra lệnh bắt khẩn cấp trong sự ngỡ ngàng của Tâm và đồng bọn.
Theo Trung tá Hoàng Trung Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ (Phòng Cảnh sát hình sự), không riêng Chuyên án trinh sát B618, tội phạm hoạt động liên quan đến không gian mạng được ví như những “bóng ma”, luôn khiến cho lực lượng cảnh sát phải đau đầu.
Lần theo những “bóng ma” phạm tội
Đầu tháng 3-2019, Phòng Cảnh sát hình sự nhận được đơn tố cáo của Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng bị thất thoát một lượng tiền lớn qua thẻ tín dụng. Và chưa đầy 3 tháng sau đó, Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ được nhóm đối tượng, gồm: Võ Đình Sang (TP. Buôn Ma Thuột), Nguyễn Đình Trà và Lương Bảo Diệp là nhân viên Công ty Cổ phần Vận tải chuyên nghiệp (Expro).
Từ năm 2017 đến nay, lực lượng cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ 32 vụ liên quan đến tội phạm công nghệ cao, với 152 đối tượng, đã hoàn tất hồ sơ khởi tố 24 vụ án và 45 bị can. |
Tại cơ quan điều tra, Sang khai nhận, biết Trà là nhân viên phụ trách hợp đồng, giao thẻ tín dụng và được quyền truy cập vào ứng dụng theo dõi các thẻ tín dụng đã giao cho khách hàng của Công ty Expro. Sang và Trà đã bàn nhau rút tiền từ các thẻ tín dụng mà khách hàng không nhận. Theo đó, Trà có nhiệm vụ cung cấp danh sách thông tin khách hàng không nhận thẻ, để từ danh sách này Sang tìm cách làm giả chứng minh nhân dân, rồi ra các tiệm điện thoại di động trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) báo mất và làm lại sim điện thoại (dù sim đang được chính chủ sử dụng). Sang thỏa thuận chia 25% trên tổng số tiền với Diệp để nhận thẻ tín dụng từ công ty, rồi mạo danh khách hàng gọi điện đến tổng đài ngân hàng xác nhận thông tin rút tiền. Sau đó, Sang nhờ nhiều người nhận thẻ, rút tiền và mua hàng. Với thủ đoạn trên, từ tháng 9-2018 đến tháng 3-2019, ba đối tượng trên đã làm giả thông tin của 17 khách hàng, chiếm đoạt của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng số tiền gần 1 tỷ đồng.
Thượng tá Phan Thanh Cường, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cho biết, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng phạm tội lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng của cơ quan, tổ chức để làm giả giấy tờ nhằm trục lợi... Mặt khác, do thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như phương thức, thủ đoạn nên người bị hại vô tình tiếp tay cho các “bóng ma” thực hiện hành vi phạm tội khi dễ dàng cung cấp số tài khoản hoặc chuyển tiền cho các đối tượng giả danh công an, cán bộ tòa án, viện kiểm sát, các nhà mạng, bạn bè trên mạng xã hội. Hiện nay, có tới 80% số người sử dụng điện thoại di động dễ dàng cung cấp thông tin của mình ở siêu thị, cửa hàng, đặc biệt là bán hàng trực tuyến. Nhiều người không để ý những thông tin mình cung cấp vô tình có thể bị lợi dụng trục lợi...
Hoàng Ân
Ý kiến bạn đọc