Multimedia Đọc Báo in

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cư Bao (TX. Buôn Hồ): Hỗ trợ người phạm tội hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng

11:33, 19/02/2020

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Cư Bao (TX. Buôn Hồ) có 18 chi hội thôn, buôn. Thời gian qua, Hội LHPN xã đã có nhiều nỗ lực trong việc cảm hóa, vận động, hỗ trợ giúp đỡ những người từng phạm tội hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.

Xã Cư Bao có nhiều người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống. Đa số những người này và gia đình họ đều sống khép kín, xa lánh mọi người vì mặc cảm, tự ti. Hội LHPN xã Cư Bao đã phân công cụ thể các chi hội trưởng phụ nữ gặp gỡ, tiếp cận, nắm bắt nguyện vọng, mong muốn của các đối tượng để tìm cách giúp đỡ. Việc tiếp cận với họ đã khó, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ lại càng khó hơn, các cán bộ phụ nữ xã Cư Bao đã chọn những gia đình dễ tiếp cận nhất làm trước.

Trong số này có gia đình chị H’Nhan Byă, chồng chị bị phạt tù vì tham gia các hoạt động chống phá cách mạng, vượt biên trái phép vào năm 2004. Sau 10 năm chấp hành xong án phạt tù, chồng chị H’Nhan trở về địa phương sinh sống nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì bà con trong buôn đều ngại tiếp xúc, xa lánh. Cán bộ Hội LHPN xã và Chi hội phụ nữ buôn đã đến nhà thăm hỏi, động viên và giúp đỡ gia đình, mời chị H’Nhan Byă tham gia sinh hoạt phụ nữ buôn.

Do hoàn cảnh gia đình chị H’Nhan rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, 4 con còn nhỏ, Hội LHPN xã đã đề nghị Tổ Tiết kiệm và vay vốn bình xét và tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội TX. Buôn Hồ cho gia đình anh chị vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để phát triển kinh tế và làm nhà. Hội còn hỗ trợ gia đình chị H’Nhan xây dựng công trình vệ sinh từ nguồn vốn mô hình “10 người giúp 1 người”.

Sự giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực, kịp thời đã giúp gia đình chị H’Nhan vươn lên, chị tích cực tham gia các hoạt động và phong trào Hội. Hai vợ chồng chị hiện là thành viên mô hình “Gia đình hạnh phúc bền vững”. Gia đình anh chị cũng xóa dần mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng tốt, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế; năm 2017 đã vươn lên thoát nghèo và đã trả xong nguồn vốn vay chương trình hộ nghèo.

Cán bộ Hội LHPN xã Cư Bao (bìa trái) tặng quà cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Cán bộ Hội LHPN xã Cư Bao (bìa trái) tặng quà cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Còn chị Hoàng Thị Liễu (thôn Tây Hà 2) là phụ nữ đơn thân, có con đang chấp hành án tù. Ngôi nhà của chị đã xuống cấp, dột nát. Trước hoàn cảnh đó, Hội LHPN xã Cư Bao đã tích cực vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam xã trích từ nguồn Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ gia đình chị Liễu xây dựng nhà Mái ấm tình thương.

Trước những ý kiến chưa thống nhất cho rằng trong thôn còn nhiều người nghèo lương thiện khác cũng đang ở nhà tạm cần được ưu tiên hơn, cán bộ Hội LHPN xã đã kiên trì thuyết phục rằng: nếu ai cũng xa lánh người hoàn lương thì những người đã từng lầm lỡ này lại dễ lạc lối một lần nữa. Nhờ vậy, gia đình chị Liễu đã có ngôi nhà mới vững chãi. Ngoài ra, chị Liễu còn được vay vốn Tín dụng tiết kiệm của Chi hội phụ nữ thôn Tây Hà 2 để phát triển kinh tế gia đình, mở dịch vụ rang xay cà phê.

Cuối năm 2015, trên địa bàn xã Cư Bao đã xảy ra vụ hiếp dâm tập thể gây chấn động dư luận với 8 đối tượng phạm tội, trong đó 7 đối tượng ở độ tuổi vị thành niên được đưa vào các trường giáo dưỡng. Sau khi các em từ trường giáo dưỡng trở về, nhờ sự động viên, giáo dục từ những cán bộ phụ nữ địa phương, các em và gia đình đã vượt qua mặc cảm để làm lại cuộc đời. Hiện nay, các em đều tham gia lao động cùng với gia đình để phát triển kinh tế và tham gia sinh hoạt trong tổ chức Đoàn Thanh niên ở cơ sở.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội buôn KWang B.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội buôn KWang B.

Không chỉ hỗ trợ giúp đỡ người hoàn lương, Hội LHPN xã Cư Bao còn chủ động phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng, Công an, Tư pháp xã tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề về phòng chống tệ nạn xã hội, ma túy, vượt biên trái phép, nhận diện nạn "tín dụng đen", tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình… cho hàng trăm lượt hội viên, phụ nữ. Hội LHPN xã đã mời cán bộ chuyên trách đến nói chuyện về phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em; phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên cho hàng trăm lượt hội viên, các ông bố, bà mẹ có con nhỏ và tuổi vị thành niên...

Theo chị H’Mon Niê, Phó Chủ tịch Hội LHPN TX. Buôn Hồ, xã Cư Bao đã thành lập và duy trì hiệu quả nhiều mô hình truyền thông tại cộng đồng như: Mô hình “Chi hội phụ nữ an toàn về an ninh trật tự” tại buôn Kwang A; “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch” tại thôn Tây Hà 2; “Chi hội phụ nữ 3 an toàn” tại thôn Sơn Lộc; nhóm “Cha mẹ có con từ 0 - 8 tuổi” tại buôn Kwang B.

Các câu lạc bộ “Gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” đều duy trì chế độ sinh hoạt định kỳ hằng quý để chia sẻ những kiến thức nuôi dạy con, kỹ năng tự bảo vệ, phòng tránh xâm hại, kỹ năng sống, tổ chức cuộc sống gia đình… Nhờ vậy, nhận thức của cán bộ, hội viên, nhất là các ông bố trẻ được nâng lên đáng kể. Đặc biệt Hội đã thành lập Tổ tư vấn cộng đồng gồm Chủ tịch Hội LHPN xã, cán bộ Tư pháp, cán bộ chính sách và bác sĩ Trạm Y tế xã nhằm tư vấn, cung cấp kiến thức để tránh xa tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; tích cực tham gia giải quyết mâu thuẫn, vướng mắc trong hội viên và nhân dân trên địa bàn.

Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.