Multimedia Đọc Báo in

Phạt "xe không chính chủ" hiểu thế nào cho đúng?

10:55, 15/02/2020

Sau khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực thi hành (từ ngày 1-1-2020), trên mạng xã hội lan truyền thông tin sẽ xử phạt những người đi “xe không chính chủ”, kể cả đi xe mượn, xe thuê... với mức phạt có thể tới hàng triệu đồng khiến nhiều người hoang mang. 

Cách hiểu này có đúng quy định của pháp luật hay không? Và thực chất Nghị định 100/2019/NĐ-CP đang quy định như thế nào về vấn đề này?

Qua nghiên cứu Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt hiện hành cho thấy không có văn bản pháp luật nào quy định cụm từ “xe không chính chủ”.

Khái niệm “xe không chính chủ” được hình thành từ việc người dân tự hiểu nôm na rằng sử dụng xe không phải do mình đứng tên sở hữu, sử dụng. Phạt “xe không chính chủ” theo cách hiểu của người dân là một quy định mà trước đây đã được đề cập đến trong các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, như: Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP song mức xử phạt còn thấp nên nhiều người không để ý; đến nay mức xử phạt lỗi này tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP tăng lên khá cao và nhiều người “mơ hồ” không hiểu nên đã hiểu sai quy định này. Lỗi “xe không chính chủ” thực chất là hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên chủ sở hữu xe (để chuyển tên chủ sở hữu xe trong giấy chứng nhận đăng ký xe) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô; xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.

Lực lượng CSGT, Công an tỉnh kiểm tra hành chính người điều khiển phương tiện giao thông  trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar).
Lực lượng CSGT, Công an tỉnh kiểm tra hành chính người điều khiển phương tiện giao thông trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar).

Vậy “xe không chính chủ” sẽ bị phạt trong trường hợp nào? Liệu có phải khi người dân sử dụng xe không mang tên mình đều bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc Cảnh sát giao thông sẽ tiến hành xử phạt “lỗi” này khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường hay không?

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi “không làm thủ tục đăng ký sang tên xe” như sau:

- Đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe: Điểm a khoản 4 Điều 30 quy định phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe;

- Đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe: Điểm l khoản 7 Điều 30 quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe.

Đồng thời, Luật cũng quy định không phải mọi trường hợp lái xe không phải xe do mình đứng tên chủ sở hữu đều bị xử phạt, tại khoản 10 Điều 80 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định: “Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe”.

Do đó, cảnh sát giao thông khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường, kiểm tra giấy tờ xe, xử lý vi phạm sẽ không xác minh và xử phạt đối với hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe; cá nhân, tổ chức khi sử dụng xe mượn, dùng chung xe với người thân... không cần phải chứng minh, giải thích về chủ xe đứng tên trong giấy đăng ký xe. Cảnh sát giao thông chỉ xử phạt hành vi không làm thủ tục sang tên xe qua công tác xác minh khi cá nhân, tổ chức đến cơ quan Cảnh sát giao thông để thực hiện thủ tục sang tên, di chuyển xe, đăng ký xe hoặc trong quá trình điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 4-4-2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về đăng ký xe (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 64/2017/TT-BCA ngày 28-12-2017 của Bộ trưởng Bộ Công an), thì “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe”; vì vậy, những trường hợp bị phạt lỗi “không làm thủ tục đăng ký sang tên xe” là do quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm hợp đồng mua bán, hợp đồng tặng/cho hoặc ngày xuất hóa đơn của doanh nghiệp kinh doanh xe mà chủ sở hữu mới đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục đổi lại giấy chứng nhận đăng ký xe.

Như vậy, không phải mọi trường hợp điều khiển “xe không chính chủ” đều bị xử phạt vi phạm hành chính, mà pháp luật chỉ quy định xử phạt đối với trường hợp khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản mà không làm thủ tục đăng ký sang tên chủ sở hữu, sử dụng xe tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc phát hiện các hành vi vi phạm này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Nguyễn Tuấn Quang

(Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.