Multimedia Đọc Báo in

Quyền và nghĩa vụ của người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19

09:44, 01/03/2020

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) gây ra đang diễn biến phức tạp. Đây là một loại dịch bệnh mới, hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, WHO đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Qua theo dõi các phương tiện truyền thông cho thấy, tinh thần và nhận thức phòng, chống dịch Covid-19 của một số người dân chưa cao, chưa có biện pháp cụ thể, coi thường công tác phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng; đã có trường hợp người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 từ chối hợp tác với cơ quan y tế thực hiện cách ly, thậm chí bỏ trốn, đi khỏi khu vực cách ly. Thực tế này đặt ra vấn đề: đây có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không? Quyền và nghĩa vụ của người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 như thế nào?.

Ngày 29-1-2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-BYT về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 (sau đây viết tắt là Luật PCBTN). Ngày 1-2-2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.

Ngành Y tế diễn tập tình huống sàng lọc, phân loại bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19.  Ảnh: K. Oanh
Ngành Y tế diễn tập tình huống sàng lọc, phân loại bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19. Ảnh: K. Oanh

Theo quy định của Luật PCBTN, bệnh truyền nhiễm được phân loại thành ba nhóm: A, B, C; trong đó, nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh, gây nguy hiểm cho sức khỏe của cộng đồng. Để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A không có quyền được từ chối chữa bệnh mà thuộc trường hợp bắt buộc chữa bệnh (điểm a khoản 1 Điều 66); đồng thời, Luật PCBTN quy định người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A phải được cách ly; hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác. Trường hợp các đối tượng phải được cách ly không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ (Điều 49).

Tương ứng với việc bắt buộc chữa bệnh, Luật PCBTN quy định người mắc bệnh dịch nhóm A được khám và điều trị miễn phí (khoản 2 Điều 48). Tại Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30-9-2010 của Chính phủ và Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29-2-2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, thì người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được hưởng các chế độ sau: (1) Được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm; (2) Được cấp không thu tiền các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế theo định mức sử dụng do Bộ Y tế ban hành; (3) Được miễn chi phí di chuyển từ nhà, từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế hoặc từ cơ sở cách ly y tế này đến cơ sở cách ly y tế khác theo quyết định của người có thẩm quyền; được bảo đảm vận chuyển thuận lợi, an toàn và đúng quy định; (4) Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế đang trong thời gian cách ly mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì phải thanh toán chi phí khám bệnh, điều trị bệnh đó; nếu người đó có thẻ bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; (5) Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tử vong thì được miễn chi phí cho việc bảo quản, quàn ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; (6) Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cung cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Trường hợp người bị cách ly y tế là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế; (7) Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn.

Luật PCBTN cũng có các quy định trách nhiệm của trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, như: khai báo trung thực diễn biến bệnh; tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đối với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú (khoản 1 Điều 34); trong trường hợp có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch (khoản 1 Điều 47).

Luật PCBTN nghiêm cấm hành vi: che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 8); cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm (khoản 4 Điều 8); không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (khoản 7 Điều 8).

Về xử lý vi phạm, điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định trong trường hợp từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, thì cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của Chính phủ.

Nguyễn Tuấn Quang

(Sở Tư pháp)      


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.