Multimedia Đọc Báo in

Siết chặt việc nuôi nhốt, săn bắt động vật hoang dã

09:19, 31/03/2020

Dịch Covid-19 được xác định có nguồn gốc phát sinh từ động vật hoang dã (ĐVHD) và hiện đang lan rộng đe dọa đến sức khỏe con người.

Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh cũng như bảo tồn đa dạng sinh học, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi, nhốt ĐVHD.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 461 cơ sở nuôi ĐVHD với gần 12.000 cá thể thuộc 22 loài. Trong đó, ĐVHD thông thường có 8.778 cá thể với 9 loài nuôi (gồm chim công Ấn Độ, hươu, nai, nhím, heo rừng, dúi mốc, don, rắn ráo thường, tắc kè); ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm có 51 cơ sở nuôi với 3.178 cá thể thuộc 13 loài gồm 1 cá thể gấu ngựa, 45 cá thể voi, 452 cá thể cầy vòi hương, vòi mốc và 2.383 cá thể các loài rắn, trăn.

Được biết, các cơ sở chăn nuôi ĐVHD trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, nằm phân tán; sản phẩm cung cấp cho thị trường không lớn; trong đó, ngoài tiêu thụ tại chỗ chủ yếu là các loài ĐVHD thông thường (như heo rừng lai, nhím, nai, ba ba, cầy vòi hương) thì các loài ĐVHD còn lại chủ yếu xuất sang Trung Quốc.

 Lực lượng chức năng kiểm tra sức khỏe của chim Già đẫy Java (loài được xếp trong danh mục sách đỏ động vật Việt Nam) trước khi thả về môi trường tự nhiên. (Ảnh do Chi cục Kiểm lâm cung cấp)
Lực lượng chức năng kiểm tra sức khỏe của chim Già đẫy Java (loài được xếp trong danh mục sách đỏ động vật Việt Nam) trước khi thả về môi trường tự nhiên. (Ảnh do Chi cục Kiểm lâm cung cấp)

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời gian qua, công tác quản lý ĐVHD và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD và các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Hoạt động gây nuôi ĐVHD được quản lý chặt chẽ từ các khâu thẩm định hồ sơ nguồn gốc, số lượng, chủng loại, tiêu chuẩn chuồng trại theo quy định để xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi cho các tổ chức, cá nhân đến việc cấp phép vận chuyển ra tỉnh ngoài. Các hành vi mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt trái phép các loài ĐVHD được phát hiện và xử lý đúng quy định. Ngoài việc kiểm tra định kỳ, Chi cục còn tổ chức các đợt thanh tra chuyên ngành đối với các cơ sở gây nuôi ĐVHD và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đơn cử như đầu tháng 3-2020, qua phản ánh của đơn vị chức năng ở địa phương, Chi cục Kiểm lâm đã kiểm tra và phát hiện 3 trường hợp gia đình ở huyện Ea Kar nuôi nhốt các cá thể khỉ thuộc nhóm IIB. Trong đó, 1 hộ ở thôn 8 xã Cư Yang nuôi nhốt 1 cá thể khỉ mặt đỏ (nhóm IIB), 1 hộ ở thôn 13 xã Ea Pal nuôi nhốt 3 cá thể khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi dài và khỉ đuôi lợn (đều thuộc nhóm IIB)...

Các hộ nuôi nhốt khỉ đều nhằm mục đích quay và đăng tải các clip lên trên tài khoản YouTube, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của vật nuôi được mua từ Công ty TNHH MTV khu vui chơi Trương Trần (TP. Hồ Chí Minh) từ năm 2018.

Tuy nhiên, họ lại không đáp ứng đủ điều kiện để được cấp phép, nuôi, nhốt theo đúng quy định của pháp luật tại Điều 14, 15 và 18 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, ngày 22-1-2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh có nguồn gốc từ ĐVHD đang diễn biến hết sức phức tạp, việc để khỉ sinh hoạt cùng con người tại các gia đình trên có nguy cơ lây lan cao các dịch bệnh gây nguy hiểm cho cộng đồng. Căn cứ tình hình thực tế, đơn vị đã từ chối cấp mã số cơ sở nuôi; đồng thời yêu cầu các hộ này chuyển giao các cá thể khỉ nói trên cho một trung tâm cứu hộ phù hợp thông qua Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar; gỡ bỏ toàn bộ video đăng tải trên mạng xã hội YouTube và lập cam kết không đăng lại bất kỳ video nào liên quan đến ĐVHD lên mạng xã hội nhằm mục đích kêu gọi tài trợ hoặc kiếm tiền.

Một số nghiên cứu trên thế giới đã cảnh báo, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Điều này đã được thấy rõ qua các đại dịch xảy ra trên thế giới như HIV, Ebola, H5N1, SARS, vi rút đậu mùa, bệnh dại... và mới đây là dịch Covid-19.

Bên cạnh việc kiểm soát chặt hoạt động nuôi nhốt ĐVHD ở các cơ sở, hộ gia đình, thời gian qua lực lượng chức năng các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc săn bắt, vận chuyển trái phép ĐVHD. Theo số liệu thống kê, trong năm 2019, Chi cục Kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 12 vụ việc, trong đó có 2 vụ săn bắt và 10 vụ vận chuyển ĐVHD trái phép với tổng trọng lượng trên 74 kg; riêng 3 tháng đầu năm 2020 đã phát hiện và xử lý 2 vụ vận chuyển ĐVHD trái phép với trọng lượng 12,5 kg tại địa bàn huyện Ea Súp và TP. Buôn Ma Thuột.

Mô hình nuôi heo rừng lai ở xã Ea Sar, huyện Ea Kar.
Mô hình nuôi heo rừng lai ở xã Ea Sar, huyện Ea Kar.

Ông Trần Văn Khoa, Phó Trưởng Phòng Quản lý Bảo vệ rừng – Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết, trước tình hình dịch bệnh có nguồn gốc từ ĐVHD đang diễn biến phức tạp, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân về các mối nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch từ việc tiêu thụ, tiếp xúc với ĐVHD; về việc không săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt, tiêu thụ trái phép ĐVHD. Bên cạnh đó, đầu tháng 4-2020, đơn vị sẽ phối hợp liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, kinh doanh nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán ĐVHD và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt trái phép ĐVHD.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc