Huyện Cư M'gar: Đấu tranh ngăn chặn nạn trồng cần sa
Liên tiếp trong thời gian gần đây, Công an huyện Cư M’gar đã phá nhiều vụ án trồng cần sa trên đất rẫy của người dân.
Qua theo dõi, ngày 13-5, tổ công tác của Công an huyện tiến hành kiểm tra và phát hiện trong vườn rẫy của gia đình ông Phan Việt Nam (SN 1953, hộ khẩu thường trú thôn 3, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) ở buôn Dao, xã Ea Kuêh có 1.082 cây cần sa.
Theo khai nhận của ông Nam thì chính ông đã trồng số cây cần sa trên. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, ông Nam không ươm, trồng, chăm sóc và thu hoạch tập trung tại một khu vực đất rẫy mà đã chia thành từng đám nhỏ, trồng cách xa nhau. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với ông Phan Việt Nam để tiếp tục điều tra làm rõ.
Công an huyện Cư M'gar phát hiện vụ trồng cần sa trên đất rẫy tại xã Ea Drơng. |
Trước đó, Công an huyện Cư M'gar cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Phan Xô (SN 1973, trú buôn Dao, xã Ea Kuêh) về tội trồng cây cần sa. Theo đó, vào hồi 7 giờ ngày 15-2, tại khu vực rẫy cà phê của đối tượng Xô thuộc địa phận buôn Dao, tổ công tác của Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy (Công an huyện) phối hợp với Công an xã Ea Kuêh bắt quả tang đối tượng Phan Xô có hành vi trồng cần sa. Tang vật thu được gồm 1.182 cây cần sa, gồm cả cây tươi và cây khô. Ngoài ra, tổ công tác còn phát hiện trong nhà của đối tượng Xô có 197,192 g cần sa khô. Đối tượng khai nhận đã được một thanh niên không rõ lai lịch cung cấp hạt giống, sau đó đã ươm, trồng để lấy thân, lá cho… gia cầm ăn nhằm phòng bệnh.
Đây là hai trong số những vụ trồng cần sa nổi cộm từ trước đến nay được Công an huyện phát hiện. Theo Công an huyện, thời gian vừa qua, tình trạng trồng cần sa trên đất rẫy của người dân diễn ra khá phức tạp trên địa bàn, nhất là ở các xã vùng xa như Ea Kiết, Ea Kuêh, Ea Drơng… Nếu như cả năm 2018 và 2019, mỗi năm toàn huyện chỉ xảy ra một vụ trồng cần sa thì chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn đã phát hiện 4 vụ trồng cần sa. Cơ quan Công an đã xử phạt vi phạm hành chính 2 vụ; khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 vụ đối với 2 đối tượng. Để che mắt lực lượng chức năng và người dân sinh sống xung quanh, các đối tượng cố tình không ươm, trồng, chăm sóc và thu hoạch tập trung tại một khu vực đất rẫy mà đã chia thành từng đám nhỏ, trồng cách xa nhau. Biết cần sa là loại cây không được phép trồng nên đối tượng thường trồng xen trong rẫy cà phê để tránh bị phát hiện.
Công an huyện Cư M'gar phát hiện vụ trồng cần sa trên đất rẫy tại xã Ea Kuêh. |
Theo Thiếu tá Nguyễn Vân Anh, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy Công an huyện Cư M’gar, cây cần sa là loại cây chứa chất ma túy, nằm trong danh mục cấm sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng. Loại cây này khá dễ trồng và không tốn nhiều công chăm sóc. Trồng cây cần sa gây ra nhiều hệ lụy xấu, gây mất an ninh trật tự xã hội. Trong khi đó, hạt giống cần sa vẫn được rao bán công khai trên Internet, thậm chí có cả những trang mạng chỉ chuyên tư vấn về cách trồng và cung cấp hạt giống loại cây này.
Với đặc thù là địa phương nông nghiệp, địa bàn rộng, nhiều diện tích đất canh tác nằm xa nơi dân cư sinh sống, các đối tượng lại trồng cây cần sa rải rác xen trong những loại cây trồng khác nên rất khó kiểm soát. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm trồng cần sa, Công an huyện Cư M’gar đang tiếp tục kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật ở lĩnh vực này nhằm răn đe; đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân về tác hại, hệ lụy của việc trồng cần sa. Cùng với đó, Công an huyện kêu gọi từng thành viên trong cộng đồng dân cư tích cực tố giác tội phạm, nhất là các hành vi trồng, mua bán, tàng trữ trái phép cần sa.
Tại Khoản 3, Điều 21, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy, người trồng cây cần sa với số lượng dưới 500 cây và vi phạm lần đầu thì bị xử phạt hành chính từ 2 - 5 triệu đồng. Còn Khoản 1, Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu trồng cần sa khi đã có một trong những hành vi sau: đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này; đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, hoặc trồng cần sa có số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc