Multimedia Đọc Báo in

Không nên nhầm lẫn giữa hợp đồng ủy quyền và giấy ủy quyền

17:13, 13/06/2020

Hoạt động ủy quyền diễn ra hằng ngày gắn liền với nhu cầu công việc và đời sống mỗi chúng ta. Tùy thuộc vào tính chất công việc được ủy quyền, pháp luật dân sự quy định ủy quyền bằng hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền.

Hợp đồng ủy quyền và giấy ủy quyền là hai hình thức ủy quyền có nhiều điểm khác biệt cả về tính chất và hệ quả pháp lý của hành vi, tuy nhiên vẫn còn nhiều người nhầm lẫn giữa hai hình thức ủy quyền này dẫn đến việc thực hiện sai quy định pháp luật.

Việc ủy quyền bằng hợp đồng ủy quyền được quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Như vậy, cũng giống như tất cả các hợp đồng khác, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên gồm bên ủy quyền và bên được ủy quyền, tuy nhiên đối tượng của hợp đồng ủy quyền lại đơn thuần chỉ là “công việc”.

 

Mẫu hợp đồng ủy quyền và giấy ủy quyền.
Mẫu hợp đồng ủy quyền và giấy ủy quyền.

Khác với ủy quyền bằng hợp đồng, việc ủy quyền bằng giấy ủy quyền chưa được quy định cụ thể tại bất cứ quy định pháp luật nào, mà chỉ là sự thừa nhận trong thực tế và được quy định tản mác, rời rạc tại một số văn bản pháp luật. Ví dụ, điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, ngày 16-2-2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch quy định: “Chứng thực chữ ký trong giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản”; khoản 1 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định: “Việc ủy quyền tiến hành các thủ tục liên quan đến việc xác lập, duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ phải được lập thành giấy ủy quyền”… Việc ủy quyền bằng giấy ủy quyền được hiểu là một hành vi pháp lý đơn phương làm xác lập quyền dân sự được quy định tại Điều 8 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể hơn, giấy ủy quyền là một hình thức đại diện ủy quyền do chủ thể bằng hành vi pháp lý đơn phương thực hiện, trong đó ghi nhận việc người ủy quyền chỉ định người được ủy quyền đại diện mình thực hiện một hoặc nhiều công việc trong phạm vi quy định tại giấy ủy quyền.

Chủ thể thực hiện ủy quyền bằng giấy ủy quyền chỉ bao gồm người ủy quyền. Giấy ủy quyền xuất phát từ hành vi pháp lý đơn phương của người ủy quyền, người ủy quyền tự lập và ký giấy ủy quyền. Do đó, người được ủy quyền có thể thực hiện hoặc không thực hiện công việc được ủy quyền mà không phải chịu sự ràng buộc bởi bất cứ trách nhiệm nào.

Khác với ủy quyền bằng giấy ủy quyền, chủ thể của hợp đồng ủy quyền gồm hai bên là bên ủy quyền và bên được ủy quyền. Hợp đồng ủy quyền lại là sự thỏa thuận giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền, hợp đồng được lập và ký bởi hai bên, đòi hỏi bên nhận ủy quyền phải đồng ý. Do đó, ủy quyền bằng hợp đồng có giá trị bắt buộc phải thực hiện các công việc đã nêu trong hợp đồng, đồng thời bên nhận ủy quyền có thể được nhận thù lao theo thỏa thuận (nếu có).

Mặt khác, đối với việc ủy quyền thông qua giấy ủy quyền thì người được ủy quyền không được phép ủy quyền lại. Ví dụ, anh A. mua 1 chiếc xe máy nhưng do bận việc không thể đi làm thủ tục đăng ký xe được, anh A. ủy quyền cho chị B. đi làm thủ tục đăng ký xe giúp mình thông qua giấy ủy quyền. Trường hợp này, chị B. có thể thực hiện hoặc không thực hiện việc ủy quyền của anh A., nhưng chị B. không được ủy quyền lại cho người khác thực hiện thủ tục đăng ký xe giúp anh A.

Trong khi đó, đối với việc ủy quyền bằng hợp đồng ủy quyền thì bên được ủy quyền có thể ủy quyền lại cho bên thứ ba nếu được bên ủy quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định. Cụ thể, Điều 564 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây: a) Có sự đồng ý của bên ủy quyền; b) Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được”. Ví dụ, ông A. ủy quyền cho bà C. thay mình thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng đến ngày thực hiện các thủ tục cần thiết để chuyển nhượng quyền sử dụng đất bà C. bị ốm không thể đi làm các hồ sơ, giấy tờ cần thiết được. Trong trường hợp này, bà C. có thể ủy quyền cho người thứ ba thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông A. (ủy quyền lại).

Một điểm khác biệt nữa là thời hạn ủy quyền bằng giấy ủy quyền do người ủy quyền tự quy định hoặc do pháp luật quy định. Trong khi đó, thời hạn ủy quyền trong hợp đồng ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng uỷ quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền (theo Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015).

Về điều kiện có hiệu lực của ủy quyền bằng giấy ủy quyền và ủy quyền bằng hợp đồng ủy quyền: Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định hợp đồng ủy quyền phải được công chứng hoặc chứng thực, do đó việc ủy quyền bằng hợp đồng ủy quyền không bắt buộc phải thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực. Đối với ủy quyền bằng giấy ủy quyền, pháp luật cũng không quy định điều kiện bắt buộc để giấy ủy quyền có hiệu lực. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và Điều 14 Thông tư số 01/2020/TT-BTP, ngày 3-3-2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì việc ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản thì được thực hiện dưới hình thức chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền.

Phan Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.