Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống tội phạm qua mạng xã hội: Nâng cao ý thức của người dân trong tố giác tội phạm

13:26, 10/07/2020

"Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình” là một trong những mô hình phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Tăng kênh tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm

Mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình” hay còn gọi là "Zalo an ninh" được triển khai theo Kế hoạch 55/KH-CAT-PV01 ngày 3-3-2020 của Giám đốc Công an tỉnh về “Xây dựng và triển khai phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng”. Trong đó, Công an TP. Buôn Ma Thuột và Công an huyện Cư M’gar là hai đơn vị được chọn thí điểm.

Thượng tá Trần Bình Hưng, Trưởng Công an huyện Cư M’gar cho biết, Cư M’gar có địa bàn giáp ranh với 7 huyện, thị xã và thành phố. Do địa bàn rộng, trải dài nên các đối tượng phạm pháp hình sự đã lợi dụng để hoạt động phạm tội liên tuyến, liên địa bàn, gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh. Trước thực tế đó, đầu năm 2020, Công an huyện đã chủ động tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh cho phép địa phương triển khai mô hình “Kết nối Facebook, Zalo an ninh - Bình yên cho mỗi gia đình”.

Sau 3 tháng triển khai thực hiện, 22 trang Zalo của Công an huyện và các xã, thị trấn đã thu hút 21.000 lượt người dùng quan tâm. Qua đó, đã có 336 lượt công dân được trả lời về thủ tục hành chính, 278 trường hợp được giải quyết hồ sơ chứng minh nhân dân qua Zalo. Ngoài ra, lực lượng Công an huyện đã tiếp nhận và xử lý 39 tin báo có giá trị liên quan đến "tín dụng đen", trộm cắp tài sản...

Công an phường Tân Tập, TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn người dân  kết nối
Công an phường Tân Tập, TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn người dân kết nối "Zalo an ninh" trên điện thoại.

Đối với TP. Buôn Ma Thuột, tuy mới đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng mô hình "Zalo an ninh" đã nhanh chóng đem lại hiệu quả thiết thực, hữu ích về nhiều mặt. Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng Công an thành phố cho hay, đến nay, Công an thành phố đã xác lập, duy trì 26 tài khoản Zalo; thiết lập 273 nhóm Zalo do cảnh sát khu vực, công an viên quản lý với 8.056 người tham gia. Qua đó, đã đăng tải, chia sẻ trên 1.300 bài viết liên quan đến việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm; công tác cải cách hành chính; thông tin về an ninh, trật tự...

 

Các trang mạng xã hội về an ninh trật tự do lực lượng công an quản lý đã trở thành kênh thông tin chính thống, thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân quan tâm, theo dõi và ủng hộ ”.

 
Đại tá Lê Văn Tuyến Giám đốc Công an tỉnh

Đặc biệt, "Zalo an ninh" còn là kênh tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm an toàn, hiệu quả được người dân hưởng ứng. Từ những nguồn tin đó, lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ phạm pháp hình sự. Điển hình như mới đây, vào khuya 17-6, từ tin nhắn của người dân gửi vào trang Zalo của Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh thông báo một nhóm thanh, thiếu niên và học sinh mang theo nhiều hung khí đang tụ tập tại khu đất trống gần Trường Mầm non Hello Kitty (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) chuẩn bị đánh nhau. Lực lượng công an đã nhanh chóng có mặt ở hiện trường, triển khai vây ráp, xử lý kịp thời, bắt giữ được 21 người, 7 xe máy và 4 cây dao rựa, mã tấu...

Nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh

Theo thống kê của Công an tỉnh, trên địa bàn hiện có 105 trang Zalo được đăng ký và xác thực với 69.590 lượt người quan tâm theo dõi. Lực lượng cảnh sát khu vực, công an xã chính quy phụ trách địa bàn đã lập được 626 nhóm Zalo thôn, buôn, tổ dân phố. Thông qua trang Zalo, lực lượng công an cơ sở đã kịp thời tiếp nhận 349 tin, tình hình liên quan đến an ninh, trật tự; trả lời, hướng dẫn 942 lượt câu hỏi liên quan đến các thủ tục hành chính, quy trình tố giác tội phạm.

Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện mô hình
Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện mô hình "Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình".

Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình” đã hoàn thành giai đoạn 1. Hiện tại, giai đoạn 2 đã được đồng loạt triển khai trên toàn tỉnh. Một số đơn vị đã tích cực nghiên cứu, cải tiến giao diện, tích hợp thêm các chức năng đối với trang mạng xã hội nhằm nâng cao tính tiện dụng để người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng, tham gia phong trào.

Việc triển khai thực hiện mô hình đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong đấu tranh tố giác tội phạm, giúp lực lượng chức năng chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh lực lượng công an gần dân, sát dân, tận tụy phục vụ nhân dân.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.