Bỏ sổ hộ khẩu - nhiều lợi ích thiết thực
09:02, 30/08/2020
Chính phủ, Bộ Công an quyết tâm hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để có thể thay thế sổ hộ khẩu giấy bằng số định danh cá nhân từ ngày 1-7-2021. Thay đổi trên hứa hẹn sẽ mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính.
Sổ hộ khẩu “ra đời” ở miền Bắc, trong hoàn cảnh đất nước tạm thời bị chia làm hai miền và được duy trì cho đến nay với vai trò là phương cách quản lý xã hội phổ biến nhất ở nước ta. Không thể phủ nhận những đóng góp vô cùng quan trọng của sổ hộ khẩu đối với sự ổn định và phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ. Thế nhưng, với xu hướng phát triển mới của xã hội, cũng như các tầng lớp dân cư thì đã đến lúc chúng ta cần đề ra một cách thức quản lý phù hợp và hiệu quả hơn. Như lời giải thích của Thiếu tướng Lương Tam Quang, người phát ngôn Bộ Công an: “Bãi bỏ đăng ký bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng mã số định danh cá nhân không có nghĩa là bỏ quản lý. Chúng ta chỉ thay đổi hình thức quản lý”.
Ảnh minh họa. |
Số định danh cá nhân được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu này và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đây là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên (Điều 13 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31-12-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân).
Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Quản lý dân cư bằng định danh cá nhân là xu hướng tiến bộ, nhiều nước trên thế giới đang thực hiện”. Phương thức quản lý mới này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thuận lợi cả trong công tác quản lý cũng như nhiều hoạt động quan trọng trong đời sống của mỗi người dân. Bởi đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân. Thông tin về cư trú của mỗi người dân đều là trường dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng Internet và được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, đơn vị liên quan. Theo quy định hiện hành, có đến 30 thủ tục hành chính cần đến sổ hộ khẩu, chủ yếu là các thủ tục được tiến hành tại ủy ban nhân dân và cơ quan công an, vì vậy nếu bỏ sổ hộ khẩu thì sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, tránh thủ tục rườm rà cho người dân.
Bên cạnh đó, khi bỏ sổ hộ khẩu sẽ không còn sự phân biệt người có hộ khẩu hay không có hộ khẩu ở một tỉnh, thành phố nhất định. Như vậy sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân trong vấn đề tự do cư trú, học tập, lao động, khám chữa bệnh, hưởng các dịch vụ xã hội.
Mặt khác, việc sử dụng mã số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp công tác quản lý về dân cư được tiến hành một cách đơn giản, thuận lợi hơn; giảm tình trạng nhập cư, cư trú bất hợp pháp, qua đó kiểm soát tốt hơn tình trạng tội phạm và các tệ nạn xã hội. Đồng thời, khi các vấn đề được xử lý bằng công nghệ sẽ giúp tiết kiệm được nhiều chi phí cho cả cơ quan Nhà nước và người dân; ngăn ngừa tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý.
Thay thế sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân là một bước tiến lớn trong phương thức quản lý dân cư và xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, các cơ quan có thẩm quyền đang gấp rút hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như điều chỉnh các quy định pháp luật liên quan trong thời gian sớm nhất. Trước mắt, hộ khẩu giấy sẽ vẫn được duy trì, ít nhất là đến ngày 1-7-2021, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động.
Đặng Công Nhật Thuận
Ý kiến bạn đọc