Một số quy định của pháp luật về bảo vệ hình ảnh của cá nhân
Hiện nay, cùng với sự phát triển về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các trường hợp sử dụng hình ảnh của cá nhân không xin phép, xâm phạm hình ảnh của cá nhân ngày càng trở nên phổ biến và có tính chất phức tạp.
Do đó, để bảo vệ quyền của cá nhân, cũng như đảm bảo trật tự an toàn xã hội, pháp luật nước ta đã có những quy định cụ thể về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình.
Hình ảnh của cá nhân chính là sự sao chép, tái hiện lại hình dáng, ngoại hình, đặc điểm bề ngoài… của một cá nhân cụ thể bằng một cách thức nhất định; hình ảnh của cá nhân có thể tồn tại dưới hình thức như ảnh chụp, ảnh vẽ, ảnh quay phim... cũng có thể là bức tượng của cá nhân đó.
Hiến pháp là văn bản pháp luật đầu tiên có quy định bảo vệ hình ảnh của cá nhân. Theo đó, quyền của cá nhân đối với hình ảnh chính là quyền con người đã được ghi nhận tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013: "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
Tiếp đến, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã cụ thể hóa quyền của cá nhân đối với hình ảnh tại Điều 32. Theo đó, hình ảnh của cá nhân được pháp luật dân sự bảo vệ trên 3 phương diện gồm: Quyền được định đoạt đối với hình ảnh của mình; quyền cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình và quyền được bảo vệ khi có hành vi xâm phạm đến hình ảnh.
Minh họa của Đức Văn |
Cụ thể, khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Như vậy, theo quy định này thì cá nhân có quyền quyết định vẻ bề ngoài, phong cách ăn mặc, trang điểm… và cũng có thể là quyền quyết định đối với việc công khai, phát tán, đưa hình ảnh của mình ra xã hội hoặc quyền quyết định mục đích sử dụng, khai thác hình ảnh. Tuy nhiên, việc quyết định hình ảnh của cá nhân phải bảo đảm chuẩn mực chung của xã hội, không xâm phạm đến quyền và lợi ích của chủ thể khác.
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh còn là quyền cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình. Khi sử dụng hình ảnh của một cá nhân thì phải có sự đồng ý của người đó, kể cả việc sử dụng hình ảnh đó là có lợi. Nếu chưa được sự cho phép của người có ảnh mà sử dụng hình ảnh của họ là vi phạm quyền nhân thân đối với hình ảnh. Tuy nhiên, quyền này cũng bị giới hạn đối với một số trường hợp nhất định theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm: việc sử dụng hình ảnh cá nhân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ. Ví dụ, đối với trường hợp đăng hình tội phạm bị truy nã để phục vụ cho việc bắt tội phạm thì không cần sự cho phép của người có hình ảnh…
Theo khoản 3 Điều 32 Bộ luật Dân sự thì việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”. Như vậy, khi cá nhân bị xâm phạm về hình ảnh thì có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi của mình bằng việc ra quyết định xử lý đối với hành vi của người vi phạm, trường hợp việc xâm phạm hình ảnh của cá nhân gây thiệt hại thì người có hành vi xâm phạm phải bồi thường theo Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Bên cạnh Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp luật xử lý vi phạm hành chính cũng có quy định nhằm bảo vệ hình ảnh của cá nhân khi bị xâm phạm, ví dụ như: Điểm b khoản 3 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép; điểm e khoản 3 Điều 8 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 19-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí và xuất bản thì phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác…
Ngoài ra, trường hợp hành vi xâm phạm hình ảnh cá nhân có liên quan đến việc lưu hành văn hóa phẩm đồi trụy, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 124 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017).
Phan Hiền
Ý kiến bạn đọc