Cần tuyên truyền để hiểu đúng về quản lý, sử dụng pháo
Nghị định 137/2020/NĐ-CP, ngày 27-11-2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo vừa ban hành ngay lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Những ngày qua, nhiều băn khoăn, thắc mắc đã được dư luận đặt ra: Ai được phép đốt pháo hoa? Pháo hoa nào thì được đốt? Làm sao giám sát được chuyện đốt pháo, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán? Làm sao tránh được các hệ lụy tiêu cực như nạn tàng trữ buôn bán pháo lậu, gây tai nạn cháy nổ chết người, lãng phí…?.
Người viết bài này khi đọc thông tin trên các báo cũng vừa mừng, vừa lo. Mừng vì ngày lễ Tết có thêm niềm vui nho nhỏ. Nhưng lo là chính bởi những lẽ như băn khoăn chung của dư luận vừa nêu ở trên. Và không khỏi hoài nghi. Tại sao sau 25 năm cấm đốt pháo theo Chỉ thị số 406-TTg ngày 8-8-1994 của Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo thì nay Chính phủ lại cho đốt… pháo hoa?
Tìm hiểu Chỉ thị số 406-TTg và Nghị định 137/2020/NĐ-CP thì chuyện cấm pháo và đốt pháo không có gì mới.
Ảnh minh họa |
Theo Chỉ thị số 406-TTg, kể từ ngày 1-1-1995 Nhà nước nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước. Khoản 2 của chỉ thị này ghi rõ: “Về việc bán pháo hoa, đốt pháo hoa. Trong các ngày lễ lớn, các ngày Tết, ngày hội có tổ chức bắn pháo hoa, đốt pháo hoa thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải thông báo cho nhân dân biết thời gian, địa điểm bán pháo hoa, đốt pháo hoa. Những dạ hội vui chơi du lịch, những dịp tổ chức khánh thành công trình, tổ chức lễ hội, hiếu hỉ, nếu đốt pháo hoa phải bảo đảm an toàn”.
Còn đây là Điều 17 của Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về sử dụng pháo hoa: “1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa”.
Khái niệm “Pháo hoa” được xác định rõ tại Điều 3, khoản 1, mục b của Nghị định 137: “Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”.
Thực chất, Nghị định 137/2020/NĐ-CP (trước đây là Nghị định 36/2009) là văn bản pháp quy cụ thể hóa Chỉ thị số 406-TTg cách đây 25 năm.
Thế nhưng tại sao dư luận lại quan tâm với những ý kiến trái chiều? Liệu có phải xuất phát điểm của vấn đề là từ cái tít được chạy đồng loạt trên nhiều báo: “Người dân được bắn pháo hoa dịp lễ Tết, sinh nhật” cùng với việc điểm qua loa về nội dung Nghị định 137/2020/NĐ-CP?
Cách đưa tin như thế rất dễ gây hiểu lầm vì đa số độc giả chỉ cần đọc được cái tít là nghĩ ngay đến việc cho phép đốt pháo.
Thiết nghĩ, chuyện này không đơn thuần chỉ dừng lại ở thông tin đăng tải trên truyền thông. Chính quyền các cấp cần có kế hoạch tuyên truyền cụ thể để người dân nắm vững nội dung, tinh thần của Nghị định 137/2020/NĐ-CP.
Nguyễn Duy Xuân
Ý kiến bạn đọc