Cần đảm bảo quyền bào chữa cho đối tượng trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội dưới 18 tuổi
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã quy định người bị buộc tội dưới 18 tuổi là đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) và được Trung tâm TGPL cử trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư tham gia bào chữa miễn phí trong quá trình giải quyết vụ án hình sự (từ giai đoạn điều tra cho đến khi kết thúc vụ án).
Quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi - là người chưa thành niên, chưa phát triển đầy đủ về nhận thức và hành vi của mình, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hình sự được khách quan, toàn diện, không làm oan người vô tội.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện TGPL cho các đối tượng nói trên, người thực hiện TGPL đã gặp phải khá nhiều vụ án mà cách hiểu và áp dụng quy định của pháp luật về việc xác định đối tượng được tiếp tục hưởng chính sách TGPL khi đã quá 18 tuổi của các cơ quan tố tụng là khác nhau, dẫn đến trường hợp nhiều đối tượng là người bị buộc tội dưới 18 không được tiếp tục có người bào chữa trong các giai đoạn tố tụng cho đến khi kết thúc vụ án hình sự.
Theo đó, có một số tòa án khi thụ lý vụ án, chỉ cần có bị can, bị cáo là người bị buộc tội dưới 18 tuổi đã có trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư đủ điều kiện tham gia bào chữa và được cấp giấy đăng ký tham gia bào chữa từ giai đoạn điều tra thì đương nhiên được tham gia bào chữa cho đối tượng đến khi kết thúc vụ án kể cả khi đối tượng đã trên 18 tuổi tại thời điểm mở phiên tòa. Trong khi đó, một số tòa án lại căn cứ vào Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về các trường hợp phải chỉ định người bào chữa cho rằng, khi đối tượng này trên 18 tuổi tại thời điểm mở phiên tòa thì đã đủ tư cách tham gia tố tụng độc lập nên không cần có người bào chữa, người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nữa; từ đó, các cơ quan tố tụng một số địa phương đã từ chối tư cách tham gia tố tụng của người bào chữa là trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư do Trung tâm TGPL cử tại phiên tòa dẫn đến việc không đảm bảo quyền được bào chữa cho các đối tượng này cho đến khi kết thúc vụ án.
Về cơ sở pháp lý của vấn đề này, trên cơ sở cụ thể hóa nguyên tắc quy định tại Hiến pháp năm 2013, Điều 16 và Điều 414 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội dưới 18 tuổi như sau: “Người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người dưới 18 tuổi, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này. Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý (TGPL) của người dưới 18 tuổi”. Điều 422 BLTTHS năm 2015 cũng quy định: “Trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi không có người bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật này” và tại Điều 76 BLTTHS, Điều 7 Luật TGPL năm 2017 đã quy định: “Cơ quan tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị Trung tâm TGPL nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được TGPL là người bị buộc tội dưới 18 tuổi”. Như vậy, pháp luật về tố tụng hình sự và pháp luật về TGPL đã quy định rất rõ quyền được bào chữa, quyền được TGPL miễn phí của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi - là đối tượng chưa phát triển đầy đủ về nhận thức và hành vi, đồng thời, thể hiện bản chất nhân đạo, bảo vệ người yếu thế của Đảng và Nhà nước ta.
Để bảo đảm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho đối tượng được TGPL, tại Khoản 3 Điều 37 của Luật TGPL năm 2017 đã quy định: “Trường hợp vụ việc TGPL đang được thực hiện mà người được TGPL không còn là đối tượng được hưởng chính sách TGPL thì vụ việc được tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc” và tại Khoản 1 Điều 10, Thông tư số 12/2018/TT-BNT ngày 28-8-2018 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ TGPL đã quy định về vụ việc TGPL kết thúc như sau “Vụ việc TGPL kết thúc khi thực hiện xong yêu cầu hợp pháp của người được TGPL theo hình thức TGPL thể hiện trong đơn yêu cầu TGPL”. Trong thực tế, tại các đơn yêu cầu TGPL của người bị buộc tội dưới 18 tuổi, hầu hết các đối tượng này đều đề nghị Trung tâm TGPL cử người bào chữa cho mình cho đến khi kết thúc vụ án và căn cứ vào đơn yêu cầu Trung tâm TGPL cũng đã ban hành quyết định cử người bào chữa từ giai đoạn điều tra cho đến khi kết thúc vụ án; tuy nhiên, quan điểm này vẫn không được một số tòa án chấp nhận.
Thiết nghĩ, để áp dụng pháp luật thống nhất, tại các phiên tòa có người bị buộc tội quá 18 tuổi đã có trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư tham gia bào chữa từ giai đoạn điều tra, tòa án không nên viện dẫn áp dụng quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về các trường hợp phải chỉ định người bào chữa để xác định tư cách tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư mà áp dụng quy định của Luật TGPL để xác định tư cách tham gia bào chữa của trợ giúp viên hoặc luật sư do Trung tâm TGPL cử cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi tại phiên tòa. Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao cần kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn về vấn đề này nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho người được TGPL là người bị buộc tội dưới 18 tuổi trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Trần Trung Hiếu
Ý kiến bạn đọc