Multimedia Đọc Báo in

"Nói không" với pháo nổ (kỳ 2)

08:35, 02/02/2021

Ngăn chặn từ gốc

Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng pháo nổ. Trong đó, giải pháp hiệu quả nhất là phải ngăn chặn từ gốc.

“Mờ mắt” vì lợi nhuận

Vào cuối năm, tình trạng vận chuyển, buôn bán pháo trở nên “nóng bỏng” với các thủ đoạn tinh vi do nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Nguyên nhân của thực trạng trên, trước hết là do kinh doanh pháo mang lại lợi nhuận cao. Qua lời khai của các đối tượng trong các vụ vận chuyển, buôn bán pháo bị phát hiện, bắt giữ vừa qua có thể thấy mục đích đều là mua bán kiếm lời, mỗi bánh pháo đưa từ Gia Lai về đến Đắk Lắk bán là đã có lời gấp đôi nên các đối tượng tìm đủ mọi cách để qua mặt cơ quan chức năng.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý thị trường, nếu như trước đây, pháo, thuốc nổ vào địa bàn tỉnh tiêu thụ chủ yếu có nguồn gốc từ các tỉnh phía Bắc có cửa khẩu quốc tế và một số tỉnh miền Nam thì khoảng 2 năm trở lại đây, đối tượng buôn lậu thường mua mặt hàng này ở Lào, vận chuyển qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) và đưa vào địa bàn tỉnh theo đường bộ. Thủ đoạn thường thấy là giấu pháo trong những ngăn được thiết kế riêng biệt, bí mật trong xe ô tô hoặc trà trộn trong hàng hóa khác, ngụy trang với lớp vỏ ngoài cùng là các kiện hàng được đóng gói cẩn thận. Gian thương thường sử dụng xe tải, xe khách và cả xe chuyên dùng, chạy với tốc độ cao để vận chuyển, liên tục thay đổi phương tiện, cách thức vận chuyển, mua bán tàng trữ để né tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Thậm chí, các đối tượng buôn lậu rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng để tẩu thoát khi bị kiểm tra.

Một vụ buôn bán pháo lậu trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: T. Hùng
Một vụ buôn bán pháo lậu trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: T. Hùng

Một nguyên nhân nữa, ở góc độ người tiêu dùng, một bộ phận không nhỏ người dân do tâm lý, thói quen lấy việc đốt pháo làm niềm vui trong các dịp lễ, Tết nên vẫn lén lút mua bán, sử dụng pháo nổ. Có cung thì ắt có cầu, khi còn người muốn mua pháo về để đốt, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán thì tức sẽ có người bán mặt hàng này.

"Lực lượng chức năng của tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động; huy động tối đa lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển và sử dụng pháo trái phép". 
Trung tá Nguyễn Công Thắng

Bên cạnh đó, hiện nay chế tài xử lý đối tượng vận chuyển, mua bán pháo nổ chưa đủ sức răn đe; việc xử lý hình sự chỉ được áp dụng với các trường hợp vận chuyển từ 6 kg pháo nổ trở lên. Do vậy, các đối tượng thường thuê người dân vận chuyển lượng pháo chưa tới 6 kg và nếu bị phát hiện cũng chỉ bị xử lý hành chính. Hoặc khi phát hiện đối tượng cùng tang vật, lực lượng chức năng không thể xác định bằng trực quan đó là pháo nổ hay pháo hoa nên không đủ căn cứ để tạm giữ hình sự…

Một điều cần lưu ý nữa là hầu hết những trường hợp tự chế pháo đều do tìm hiểu, học theo trên một số trang mạng xã hội, có thể chỉ để chơi, khoe khoang với bạn bè, có thể đem bán để kiếm lời, nhưng dù mục đích gì cũng đều hết sức nguy hiểm, mà hậu quả thấy rõ là những vụ tai nạn gây thiệt hại nặng nề. 

Nhận thức đầy đủ về pháo nổ

Từ thực tế trên, thiết nghĩ, để hạn chế tối đa tình trạng vi phạm về pháo nổ, một điều rất quan trọng là phải tuyên truyền sao cho người dân, nhất là nhóm thanh thiếu niên nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của pháo nổ, pháo tự chế, khi đó mọi người sẽ tự biết cách "nói không" với mặt hàng này vì sức khỏe, tính mạng của chính mình và người chung quanh.

Cùng với đó, cần tuyên truyền để mọi người hiểu rõ đầy đủ những văn bản liên quan đến pháo, đặc biệt là Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, ngày 27-11-2021 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo (gọi tắt Nghị định 137), có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2021. Theo quy định mới, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sẽ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp: lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị… Tuy nhiên, một bộ phận người dân đang hiểu nhầm việc cho phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo.

cxgzx
Công an TP. Buôn Ma Thuột thu giữ tang vật là pháo nổ của 1 đối tượng ở phường Tân Lập. Ảnh: T.Hùng

Theo Trung tá Nguyễn Công Thắng, Đội trưởng Đội đăng ký, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và con dấu (Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh), việc tìm hiểu không kỹ, hiểu sai bản chất của Nghị định 137 vô tình khiến nhiều người có thể vi phạm pháp luật, dẫn tới bị xử lý hình sự. Theo Nghị định 137 thì pháo nổ, pháo hoa nổ đều bị nghiêm cấm chế tạo, sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng. Còn với những loại pháo được cho phép sử dụng thực chất là các loại pháo sáng khi sử dụng thì tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Đối với loại pháo này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng nhưng chỉ được mua sản phẩm do các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất và khi sử dụng phải bảo đảm các điều kiện an toàn về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường…

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, hiện nay, đa số những loại pháo được bán trôi nổi trên thị trường đều là pháo nổ, không có nguồn gốc, xuất xứ, bị nghiêm cấm. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức bởi mọi trường hợp tự ý thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất sự việc.

Hùng Lan

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.