Phía sau những cung đường (Kỳ 1)
Tham gia giao thông là nhu cầu chính đáng của mỗi người, nhưng để tham gia giao thông an toàn thì đòi hỏi mỗi cá nhân luôn phải chấp hành các quy định điều khiển phương tiện để mỗi cung đường đi qua không trở thành nỗi ám ảnh về các vụ tai nạn giao thông.
Kỳ 1: Bi kịch sau tai nạn
Tai nạn giao thông (TNGT) không chỉ là nỗi ám ảnh, nó còn trở thành tấn bi kịch đối với nhiều người, nhiều gia đình trên khắp thế giới. Khi mỗi người thân mất đi đều để lại những khoảng trống không gì bù đắp, nhất là với những người làm cha, làm mẹ phải chứng kiến sự ra đi mãi mãi của đứa con mà mình đã từng hằng ngày chăm bẵm, nuôi nấng...
Gánh nặng đôi vai mẹ
Từ tỉnh Thừa Thiên - Huế vào Đắk Lắk sinh sống từ năm 1997 đến nay, gia đình ông Nguyễn Công Dũng, bà Nguyễn Thị Miên (trú thôn Xuân Tây, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo khó. Nhà đông con, gồm ba trai, hai gái, nhưng éo le thay cho gia đình, khi người con trai đầu không may bị tử vong do TNGT, người con trai thứ không được lành lặn, bình thường. Bà Miên chia sẻ: Đêm giao thừa năm 2010, con trai đầu là Nguyễn Công Hoan (SN 1984) bị tai nạn khi đi chơi với bạn. Được mọi người báo tin, cả nhà chạy ngược xuôi đưa Hoan đi bệnh viện cấp cứu nhưng không kịp. Chồng bà Miên bị tai biến, mất khả năng lao động từ năm 1999, những năm sau đó Hoan chính là trụ cột của gia đình. Từ ngày mất con, bệnh tình của ông Dũng lại nặng hơn, những hôm trái gió trở trời bị đau ê ẩm khắp người, thuốc lúc nào cũng phải có sẵn trong nhà.
Cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho người dân dọc Quốc lộ 26 (đoạn qua huyện Krông Pắc). Ảnh: Hoàng Tuyết |
Được biết, trước đó em trai của anh Hoan là em Nguyễn Công Hoàn (SN 1992) bị bệnh viêm gân nặng, không đi lại được trong thời gian dài. Sau đó, được chữa trị, hiện tại Hoàn đang ở TP. Hồ Chí Minh làm thuê kiếm sống, nuôi bản thân, nhưng sức khỏe yếu nên nhiều nơi nhận vào làm một thời gian ngắn lại cho nghỉ việc. Bà Nguyễn Thị Miên nước mắt ngắn dài kể: Ngày Hoan mất, bà cũng muốn chấm dứt cuộc đời mình, bao nhiêu rủi ro đều ập đến với gia đình. Chồng bị tai biến, con đứa mất do tai nạn, đứa bệnh tình nặng, nhưng nghĩ lại nếu bản thân quyên sinh thì ai sẽ chăm chồng, ai lo cho con bệnh tật. Thế là bà lại gắng gượng, ngày ngày ra chợ xã Phú Xuân ai gọi gì làm nấy, từ bưng bê đến quét dọn, giao hàng, những buổi chợ không họp bà đi dọn nhà, giặt giũ thuê… kiếm ngày mấy chục nghìn đồng để trang trải cuộc sống và lo thuốc thang cho chồng.
Cán bộ Ban An toàn giao thông tỉnh thăm hỏi, động viên gia đình bà Nguyễn Thị Miên (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) có con tử vong do tai nạn giao thông. |
Mọi gánh nặng không ngừng đổ dồn lên đôi vai gầy gộc của người phụ nữ này khi người con thứ ba của gia đình là em L. đi làm thuê ở TP. Hồ Chí Minh lỡ mang thai khi chưa cưới nên gia đình nhà trai không chấp nhận. Năm 2011, L. về nhà sinh con ở nhà bố mẹ. Thương con tuổi đời còn trẻ, khi cháu ngoại được 1 tháng tuổi, bà Miên bảo con gái vào Nam lập nghiệp, lập thân. Kể từ ngày đó, một mình bà lo toan mọi việc trong nhà, vừa chăm chồng tai biến, vừa nuôi cháu nhỏ, cuộc sống túng thiếu đủ bề, cái nghèo vẫn đeo bám gia đình cho đến hiện tại.
Những giọt nước mắt của người cha
Đi cùng đoàn công tác của Ban An toàn giao thông tỉnh và chính quyền địa phương, chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Văn Sơn nằm sâu trong con đường dẫn vào thôn 8, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ. Gia đình đang chịu tang thương, mất đi cậu con trai vừa mới bước sang tuổi 18. Từ ngày đứa con mất, vợ chồng ông Sơn bần thần như người mất hồn. Mỗi lần có người đến thăm hỏi, động viên, vợ ông là bà Hoàng Thị Hành lại nép mình vào góc nhà khóc đỏ hoe mắt, không nói nên lời. Ông Sơn ngày thường rất mạnh mẽ, kiên cường, từ ngày con mất ông trở nên yếu đuối, sống khép kín. Ông kể, một tối cuối tuần vào tháng 9-2020, con trai út là Hoàng Văn Triều (SN 2002) xin phép gia đình đi dự sinh nhật bạn. Cũng như những lần trước, vợ chồng ông đồng ý cho con đi nhưng không quên dặn dò con hãy về sớm, đi đường cẩn thận. Không ngờ, hôm ấy lại là ngày cuối cùng của con trai. Rơm rớm nước mắt, ông Sơn kể tiếp, những bữa Triều xin đi liên hoan hay sinh nhật bạn bè, muộn nhất 21 giờ là về tới nhà, nhưng đêm định mệnh ấy, vợ chồng ông chờ mãi không thấy con về. Thấy bất an trong lòng, ông gọi điện liên tục nhưng đều không nhận được tín hiệu. Cả đêm gia đình không ai ngủ được, đồng hồ báo qua ngày khác, ông vẫn không hề chợp mắt. Rạng sáng hôm sau, có số điện thoại lạ gọi đến báo tin con trai bị TNGT. Hay tin, cả nhà vội ra khu vực hiện trường, trên đường đi ông vẫn nghĩ chắc con chỉ bị xây xước nhẹ, nhưng khi đến nơi thì chứng kiến cảnh tượng con trai nằm bên vệ đường và ra đi mãi mãi.
Ông Hoàng Văn Sơn (xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ) bật khóc khi nhắc đến người con trai bị mất do tai nạn giao thông. |
Nỗi đau mất đi một người thân do TNGT sẽ không bao giờ nguôi đối với người ở lại. Đặc biệt, đối với những vụ tai nạn ở trên những tuyến đường hằng ngày họ vẫn ngang qua, dù là 10 năm, 20 năm hay nhiều hơn nữa thì cung đường ấy vẫn trở thành nỗi ám ảnh. Để TNGT không trở thành nỗi đau của riêng ai, hằng năm các cấp, các ngành, địa phương đã nỗ lực tổ chức những hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ gia đình nạn nhân. Cùng với đó tăng cường tuyên truyền về những nguyên nhân, hậu quả của TNGT nhằm cảnh tỉnh cho mỗi người về việc không chấp hành các quy định khi tham gia giao thông để bảo đảm an toàn cho mình và người xung quanh.
Ông Đỗ Quang Trà, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh cho biết, năm 2020 là năm thứ 9 Việt Nam tổ chức hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT. Qua các hoạt động này mong muốn bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham giao giao thông và chia sẻ mất mát, gánh nặng với người thân của họ. |
(còn nữa)
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc