Multimedia Đọc Báo in

100% các trường tham gia phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"

20:03, 25/05/2010

Theo Bộ GD&ĐT, sau 2 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đến nay đã có 100% các trường tham gia .

Nhằm nâng cao hơn nữa giáo dục toàn diện cho học sinh, đặc biệt là giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh với một cơ chế xã hội đủ mạnh và sự phối hợp hiệu quả của gia đình - nhà trường và xã hội, Bộ GD&ĐT đã phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông và mầm non giai đoạn 2008 – 2013 chính là sự cụ thể hóa của yêu cầu “Dạy tốt, học tốt” trong giai đoạn hiện nay.

 

 

IMG_1073.jpg
Khuôn viên rợp bóng cây xanh của Trường Tiểu học Tô Hiệu (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Tô Ngọc


Mục đích của phong trào là huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội. Phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của thầy và trò trong học tập và các hoạt động xã hội một cách phù hợp và hiệu quả.

Sau 2 năm thực hiện phong trào, cảnh quan và điều kiện cơ sở vật chất của các nhà trường được cải thiện nhanh chóng, có cây xanh bóng mát có lớp học đủ ánh sáng, bàn ghế phù hợp với lứa tuổi học sinh. Số công trình vệ sinh đã tăng thêm 20% so với trước, nâng số trường có công trình vệ sinh lên 38.893 trường, đạt 96,7%, trong đó có 83,9% đạt vệ sinh…Các trường cũng đã đặt các thùng rác thân thiện để  bảo đảm môi trường vệ sinh sạch sẽ. Các trường cũng trồng mới được 2,2 triệu cây xanh phù hợp điều kiện môi trường.

Bộ GD&ĐT cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện nội dung, biện pháp, cơ chế thực hiện để tạo ra một phong trào có tính hoàn chỉnh trong giai đoạn 2008-2013; Xây dựng phong trào trở thành giải pháp đột phá trong giáo dục toàn diện cho học sinh nhằm giảm những bức xúc của xã hội về việc “nặng dạy chữ, nhẹ dạy người”, tăng cường giáo dục đạo đức học sinh, phòng chống tệ nạn xã hội; Tăng cường rèn luyện kỹ năng sống và các hoạt động xã hội cho học sinh; Xây dựng cơ chế để mỗi gia đình, ban ngành, đoàn thể, nhà trường, địa phương nhận thức và phân công trách nhiệm trong việc giáo dục thế hệ trẻ, đồng thời tạo ra môi trường thân thiện ở cả gia đình và nhà trường. Cùng đó, qua phong trào, ngành Giáo dục cũng xác định được mức độ thân thiện, tích cực của nhà trường, cán bộ, giáo viên, học sinh, gia đình và địa phương bằng bộ công cụ đánh giá.

Theo GD&TĐ


Ý kiến bạn đọc