Multimedia Đọc Báo in

Thành phố Buôn Ma Thuột: Ưu tiên xây dựng hệ thống trường chuẩn Quốc gia

17:01, 18/06/2010

 Trong những năm gần đây, thành phố Buôn Ma Thuột đã huy động tốt các nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, trong đó, ưu tiên xây dựng hệ thống  trường chuẩn Quốc gia và nhanh chóng trở thành đơn vị dẫn đầu toàn ngành về công tác này. Phải khẳng định rằng, đây là cách đầu tư hiệu quả nhất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
So với nhiều địa phương trong tỉnh, thành phố Buôn Ma Thuột bắt tay thực hiện “Chương trình xây dựng trường đạt chuẩn Quốc giai đoạn 2006 – 2010” với một tiền đề thuận lợi, đã có 6 trường được công nhận đạt chuẩn trước khi triển khai Chương trình. Để đạt mục tiêu đến cuối năm 2010, có 43 trường học các cấp được công nhận chuẩn và xóa trắng đơn vị hành chính không có trường đạt chuẩn Quốc gia, ngoài đầu tư hơn 100 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách cho các trường trong 5 năm, thành phố còn tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, đặc biệt đẩy mạnh phong trào xã hội hóa giáo dục (chủ yếu tự nguyện), qua đó mỗi năm huy động sự đóng góp của các tổ chức, đơn vị, các “mạnh thường quân” và nhân dân hơn 1 tỷ đồng, hàng ngàn ngày công (san lấp mặt bằng, chuyên chở nguyên vật liệu xây dựng khi có công trình). Trong quá trình triển khai xây dựng, thành phố đặc biệt chú trọng quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và có hiệu quả, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy - học cho các trường có khả năng đạt các tiêu chí của trường chuẩn. Điều này được thể hiện rõ qua tổng số kinh phí và số trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia tăng lên hàng năm. Với những nỗ lực trên, đến cuối tháng 4 - 2010, thành phố  Buôn Ma Thuột đã có 31 trường được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn Quốc gia cấp độ I. Trong đó, 4 trường Mầm non, 20 trường Tiểu học và 7 trường Trung học cơ sở. Điều đáng ghi nhận không chỉ có những trường nội thành, nhiều trường vùng ven và trường ngoài công lập cũng đạt chuẩn.
Danh hiệu trường chuẩn Quốc gia là phần thưởng xứng đáng ghi nhận nỗ lực của toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương trong quá trình phấn đấu để đạt được các chỉ tiêu về: mặt bằng, mỹ quan, cơ sở vật chất, các trang thiết bị, chất lượng giáo dục… Cô Phạm Thị Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Công Trứ khẳng định “Nếu không có sự ủng hộ của chính quyền địa phương, đặc biệt là phụ huynh thì nhiều trường học khó mà đạt được danh hiệu này, dù đó là trường có thành tích giảng dạy, học tập cao đến đâu đi nữa”. Còn cô Phạm Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Đức Cảnh  tâm sự: “Bài toán về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia hiện nay là giải quyết vấn đề cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục. Về chất lượng giáo dục, từng trường và các cơ quan quản lý giáo dục có thể phấn đấu đạt được. Nhưng về cơ sở vật chất, nếu tỉnh, thành phố không có sự đầu tư, không có cơ chế xã hội hóa, bản thân nhà trường không thể thực hiện được”.

Trường THCS Phan Chu Trinh (TP.BMT) - trường học đầu tiên của Dak Lak được công nhận chuẩn Quốc gia cấp độ I
Trường THCS Phan Chu Trinh (TP.BMT) - trường học đầu tiên của Dak Lak được công nhận chuẩn Quốc gia cấp độ I

Khó khăn lớn nhất đối với ngành Giáo dục thành phố trong công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia hiện nay chính là diện tích sử dụng để bảo đảm tổ chức tốt các hoạt động quản lý, dạy học và sinh hoạt. Không ít trường nằm trong kế hoạch phấn đấu xây dựng đạt chuẩn giai đoạn 2006 - 2010 vướng phải tiêu chí này. Đơn cử như phường Thống Nhất có 3 trường: THCS Phan Bội Châu, TH Lê Hồng Phong, Mầm non Thống Nhất thì cả ba đều không đạt tiêu chí về diện tích sử dụng so với số học sinh. Bà Trịnh Như Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Thống Nhất cho biết, giáo dục là tấm gương phản chiếu mọi mặt của phường, do đó, chính quyền rất quyết tâm thực hiện phong trào xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia, nhưng ngặt nỗi quỹ đất của các trường không đủ theo quy chế. Đã nhiều lần chính quyền địa phương kiến nghị với UBND thành phố đầu tư nâng cấp, mở rộng các trường, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng ý. Với lý do trên, phường Thống Nhất trở thành địa phương duy nhất của TP. BMT chưa có trường đạt chuẩn Quốc gia. Thầy Trần Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu nói:  “Sau nhiều năm phấn đấu, đến nay hầu hết các tiêu chí như: cơ cấu tổ chức, chất lượng giáo dục, công tác xã hội hóa giáo dục… đều đạt, tuy nhiên do thiếu diện tích đất, nên không được công nhận chuẩn. Hệ lụy của vấn đề này, mặc dù nằm ngay tại  trung tâm thành phố, nhưng thầy và trò Trường THCS Phan Bội Châu không thể có được môi trường học tập với cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ các phòng học, phòng bộ môn, thư viện, sân chơi… như một số trường khác”.
Theo ông Huỳnh Trọng Nam, Phó trưởng  Phòng GD – ĐT thành phố, một vấn đề rất đáng quan tâm đối với các trường sau khi được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn cấp độ I là làm thế nào để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng dạy và học. Bởi theo quy chế của Bộ GD – ĐT, trong thời hạn 5 năm, nếu các trường đã đạt chuẩn Quốc gia mắc những sai phạm về tiêu chuẩn, thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xem xét để tiếp tục công nhận đạt chuẩn hay không. Đặc biệt, Bộ GD – ĐT vừa ban hành Quy chế công nhận trường trung học cơ sở đạt chuẩn Quốc gia với những tiêu chí cao hơn, đòi hỏi ngành Giáo dục thành phố cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để  “mỗi thầy cô giáo thực sự là tấm gương tự học và sáng tạo”, góp phần giữ vững danh hiệu được công nhận, đồng thời tiếp tục đạt các chỉ tiêu trường chuẩn Quốc gia cấp độ II.
Hoa Nguyên

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.