Multimedia Đọc Báo in

Môn võ Vovinam và tiếng dân tộc thiểu số được đưa vào trường phổ thông

10:17, 07/08/2010

Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu Sở GD-ĐT các địa phương thực hiện việc phát triển phong trào tập luyện môn võ Vovinam trong nhà trường.
Với chủ trương phát triển các môn thể thao dân tộc trong nhà trường, trong đó có môn võ truyền thống Vovinam, tạo điều kiện cho học sinh có sức khỏe, thể lực tốt, tinh thần tự hào dân tộc đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực”, Bộ đề nghị các Sở GD-ĐT phối hợp với Liên đoàn Vovinam Việt Nam, Liên đoàn Vovinam các địa phương tuyên truyền phổ biến rộng rãi môn Vovinam và đưa môn Vovinam vào chương trình thể thao ngoại khóa, tổ chức tập huấn cho các giáo viên thể dục, thành lập các câu lạc bộ Vovinam trong các trường học trên địa bàn của tỉnh.
Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ đưa môn thể thao này vào chương trình thi đấu chính thức từ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VIII năm 2012.

Môn Vovinam hiện đang thu hút nhiều thanh thiếu nhi tham gia luyện tập (Ảnh: T.L)
Môn Vovinam hiện đang thu hút nhiều thanh thiếu nhi tham gia luyện tập (Ảnh: T.L)

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2010/NĐ-CP quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Theo đó, trên cơ sở nguyện vọng của người dân tộc thiểu số và điều kiện tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số của địa phương, UBND cấp tỉnh sẽ đề nghị Bộ GD-ĐT về việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Người học tiếng dân tộc thiểu số được Nhà nước bảo đảm sách giáo khoa, tài liệu tham khảo dạy tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với từng đối tượng. Người học là cán bộ, công chức, viên chức được hưởng chế độ đào tạo bồi dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước theo quy định… Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số đạt trình độ chuẩn đào tạo của cấp học tương ứng, được đào tạo dạy tiếng dân tộc thiểu số tại các trường cao đẳng, đại học sư phạm, khoa sư phạm.
Về chế độ chính sách, giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu chung; không áp dụng chế độ phụ cấp đối với những người đã được phụ cấp trách nhiệm theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20-6-2006 về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31-8-2010.

 

Hải Như (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc