Học sinh Nguyễn Du ngày ấy... bây giờ
Trong 14 năm qua, đã có hàng nghìn học sinh học tập, trưởng thành từ mái trường THPT Chuyên Nguyễn Du; trong số đó không ít người đã bước đầu gặt hái được những thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, kinh tế, kiến trúc, nghiên cứu khoa học…, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Phạm Thị Như Trang: Mong trở thành giáo viên giỏi như các thầy cô của mình
Phạm Thị Như Trang có thể được coi là một trong những học sinh trở thành lớp giáo viên kế cận đầu tiên của Trường THPT Chuyên Nguyễn Du. Khi học lớp 11 chuyên Anh niên khóa 1996-1997 – năm học đầu tiên của trường, Trang đã đoạt giải Ba môn tiếng Anh trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh một năm sau đó. Trong những năm học đại học, Trang luôn là một trong những sinh viên tiêu biểu của khoa tiếng Anh, đã từng đoạt giải Ba trong kỳ thi chung kết nghiệp vụ sư phạm toàn quốc. Tốt nghiệp đại học năm 2002, đáp ứng tiêu chí “từng là học sinh đoạt giải quốc gia, có thành tích tốt ở bậc đại học”, Trang đã được nhận về giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Du. Nhiệt tình, năng nổ, chị không chỉ là một giáo viên trẻ có năng lực mà còn đảm nhận công tác phong trào với vai trò Phó Bí thư rồi Bí thư Đoàn trường. Chỉ hai năm sau đó, chị vinh dự được kết nạp Đảng. Năm 2006, Trang thi đỗ Chương trình học bổng phát triển của Chính phủ Australia và theo học ngành Ứng dụng Công nghệ thông tin trong giảng dạy tiếng Anh (ICT in Education) tại Trường Đại học Monash, bang Melbourne (Australia). Sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc và bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ vào tháng 7-2007, chị tiếp tục trở về công tác tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Du. Năm 2008, Trang vinh dự là đại biểu của tỉnh tham dự Hải trình thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP).
Mặc dù đi theo nghề sư phạm từ sự định hướng của mẹ nhưng càng ngày Trang càng thấy yêu và đam mê nghề. Chị tâm sự: “Có lẽ điều may mắn nhất của tôi là được giảng dạy ngay tại mái trường mình đã từng học. Các thầy cô từng dạy mình nay lại là đồng nghiệp, vì thế tôi luôn nhận được sự động viên, khích lệ và chỉ bảo rất tận tình. Đó cũng là động lực giúp tôi nỗ lực phấn đấu và yêu nghề, gắn bó với trường hơn dù sau khi học xong thạc sĩ tôi không thiếu cơ hội làm việc ở những môi trường khác có thu nhập cao hơn, điều kiện thuận lợi hơn. Tôi luôn mơ ước trở thành giáo viên tốt, có nhiều học trò giỏi như các thầy cô của mình”. Trong giảng dạy, Trang luôn cố gắng tạo cho học sinh chủ động hơn và tự làm việc độc lập. Chị thành lập các nhóm học sinh, cho các em chủ đề, khuyến khích các em tự tìm hiểu và trình bày những hiểu biết của mình về chủ đề đó bằng tiếng Anh. Trong quá trình tự tìm hiểu, học sinh luôn có thể trao đổi với cô giáo vào bất cứ lúc nào, bằng nhiều hình thức: gặp trực tiếp, trao đổi qua điện thoại, email, chat… Cách dạy này khiến học sinh rất hào hứng, không chỉ phát triển kỹ năng nghe – nói – tư duy bằng tiếng Anh của các em mà còn giúp các em khắc phục tính nhút nhát, tự ti, ngại trình bày trước đám đông… Trang cho biết: “Trong tương lai, tôi tin rằng phương pháp dạy và học của Việt Nam cũng sẽ hướng tới hình thức nối mạng, tức là môi trường học tập không còn bó hẹp trong khuôn khổ lớp học nữa, học sinh có thể học và trao đổi với giáo viên ở bất cứ đâu qua mạng Internet, trong đó tính chủ động của người đọc sẽ rất cao, giáo viên chỉ là người gợi mở”.
Tại Đại hội Chi bộ Trường THPT Chuyên Nguyễn Du nhiệm kỳ 2010-2015 vừa qua, cô giáo trẻ Phạm Thị Như Trang đã được tín nhiệm bầu làm Chi ủy viên Chi bộ và vinh dự là đại biểu đại diện cho trường tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV sắp tới.
Nhà văn trẻ Niê Thanh Mai với nỗ lực tạo dấu ấn riêng
Nhanh nhẹn, hoạt bát, thông minh, lém lỉnh và đầy tự tin – đó là hình ảnh về Niê Thanh Mai, cựu học sinh chuyên Văn (khóa 1996-1998) trong mắt các thầy cô giáo của Trường Chuyên Nguyễn Du thuở nào. Từng đạt giải Trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam cho tập truyện "Suối của rừng" , giải Nhì cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức cho hai tác phẩm "Cửa sổ không có chấn song" và "Giữa cơn mưa trắng xóa", cô trò nhỏ Niê Thanh Mai giờ đây đã là giáo viên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian, Bí thư Đoàn Trường Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng; Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn khối các cơ quan tỉnh; Ủy viên Thường vụ Hội Văn học - Nghệ thuật Dak Lak; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam. Nhiều chức vụ như vậy, nên Mai khá bận rộn: hết đưa học sinh đi thi học sinh giỏi, lại ra Hà Nội dự họp, rồi cùng phối hợp với Đoàn trường và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức các buổi giao lưu với văn nghệ sĩ; dự trại sáng tác văn học; đứng lớp giảng dạy chuyên đề cho các em tại trại sáng tác văn thơ thiếu nhi…
Bộn bề với “hàng núi” công việc, nhưng gặp Mai vẫn thấy nụ cười tươi tắn không mệt mỏi và nhiều dự định trong thời gian tới. Mai tâm sự: Lâu nay một số người vẫn cứ quan niệm viết về Tây Nguyên là phải viết về buôn làng, về nhà sàn, về những con người ngày ngày lao động vất vả, nhọc nhằn trên nương rẫy chỉ để đủ ăn... do đó thường tạo sự “ngộ nhận” cho bạn đọc về vùng đất này. Chính vì muốn sáng tạo, khai thác dưới cách nhìn khác và phản ánh thực tế cuộc sống đổi thay từng ngày nơi đây nên Mai đang ấp ủ đề tài viết những truyện vừa có nội dung tái hiện hình ảnh tuổi trẻ của dân tộc thiểu số trong bước đường hội nhập vào nền kinh tế hiện đại mà vẫn không đánh mất đi bản sắc dân tộc của mình; để từ đó đưa đến cho bạn đọc một bức tranh về vùng đất Tây Nguyên đang vươn lên mạnh mẽ.
Viết đều, viết “chắc” và đang từng bước khẳng định, tạo dấu ấn riêng trên diễn đàn văn học Việt Nam, có thể nói thành quả đó của Niê Thanh Mai không phải cây viết trẻ nào cũng gặt hái được. Và một trong những dự định đã thực hiện và sắp hoàn thành được Mai “bật mí”: Tập truyện “Bài ca phía chân trời” do NXB Văn hóa Dân tộc tài trợ sẽ ra mắt bạn đọc vào cuối năm nay.
Ngô Minh Toàn và đam mê nghiên cứu về khoa học Vật lý
Các thầy cô giáo ở Trường THPT Chuyên Nguyễn Du vẫn thường nhắc đến Ngô Minh Toàn - cựu học sinh lớp 12 chuyên Lý khóa đầu tiên của trường, từng đoạt giải Khuyến khích môn Vật lý trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 1997 - với sự tự hào rằng anh thuộc về thế hệ kế thừa xứng đáng trong lĩnh vực khoa học cơ bản của Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp loại ưu ngành Vật lý Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh năm 2001, Ngô Minh Toàn làm việc một năm tại Viện Vật lý-Điện tử Việt Nam và đoạt một suất học bổng học Thạc sĩ tại Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP) tại Trieste, Italia. Anh đã tốt nghiệp thủ khoa, được đặc cách vào thẳng Trường Quốc tế cho nghiên cứu cao học (SISSA) và nhận bằng Tiến sĩ loại ưu của SISSA với đề tài “Nghiên cứu vai trò của hiệu ứng loại trừ không gian trong các tính chất đàn hồi và động học của các polymer sinh học”. Công trình nghiên cứu này được đánh giá cao và đăng tải trên Physical Review Letters – tạp chí chuyên sâu về Vật lý hàng đầu thế giới. Sau đó, Toàn trở thành tu nghiệp sinh sau tiến sĩ (post-doc) tại Trường Đại học Maryland (Mỹ) với các công trình nghiên cứu chuyên sâu về một lĩnh vực khá mới mẻ là Vật lý sinh học. Anh hiện vẫn đang sinh sống và nghiên cứu tại Mỹ.
Với mong muốn góp phần khơi gợi niềm cảm hứng về khoa học cho mọi người, mang những khái niệm Vật lý vốn được coi là khô khan, khó hiểu trở nên gần gũi, quen thuộc hơn, Ngô Minh Toàn đã tham gia dịch sách cho Tủ sách “Khoa học và Khám phá” (NXB Trẻ). Tháng 7-2008, cuốn sách dịch đầu tiên “Bảy nàng con gái của Eva” (tác giả Bryan Sykes) của anh đã được xuất bản. Trong cuốn sách, những lý giải khoa học về lịch sử con người được diễn đạt một cách lôi cuốn, cung cấp cái nhìn toàn diện về bức tranh châu Âu cổ đại, từ những kiến thức sơ đẳng đến phức tạp đều trở nên dễ hiểu dễ nhớ đối với mọi người. Đến tháng 3-2010, nhóm dịch giả Ngô Minh Toàn – Mai Hiên lại giới thiệu đến người đọc cuốn sách có tựa đề “Dòng sông trôi khuất địa đàng” của tác giả Richard Dawkins với những lý giải về sự sống trên trái đất một cách đầy chất thơ.
Ngô Minh Toàn vẫn luôn mong muốn sẽ thành lập một quỹ học bổng nhỏ hằng năm cho học sinh chuyên Lý của Trường THPT Chuyên Nguyễn Du và phối hợp xây dựng, giảng dạy khoa Vật lý tại một trường đại học trong nước.
Ý kiến bạn đọc