Multimedia Đọc Báo in

Làm gì để hạn chế tình trạng vi phạm đạo đức, lối sống trong học sinh?

16:37, 10/09/2010

Có thể nói, những biểu hiện vi phạm về mặt đạo đức trong giới học sinh và sinh viên hiện nay là rất đáng lo ngại.

Theo thống kê sơ bộ của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về các vụ việc có liên quan tới trẻ vị thành niên, năm 1986, con số vị thành niên phạm tội mới chỉ là 3.607 trường hợp; năm 1996 đã tăng hơn 3 lần (11.726 trường hợp). Đến năm 2005, số người chưa thành niên phạm tội trên toàn quốc là 28.470 trường hợp. Trung bình mỗi năm cả nước có 4.746 người chưa thành niên phạm tội bị phát hiện; trong đó nhiều hành vi phạm tội có tính chất côn đồ, hung hãn và bạo lực ở mức độ rất nghiêm trọng như: giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... Số thanh niên nghiện ma túy cũng gia tăng trong môi trường học đường. Việc sử dụng ma túy tổng hợp trong học sinh sinh viên cũng ngày càng tăng, chưa thể kiểm soát được. Năm 2009,  tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống tội phạm trong học sinh phổ thông. Tại hội thảo này, nhiều ý kiến cho rằng : Học sinh càng lên các lớp cao, tình trạng đi xuống về đạo đức, lối sống, nền nếp học tập, sinh hoạt càng gia tăng. Còn tại các đô thị lớn, tình trạng “phân đẳng cấp” trong giới học sinh đang là vấn đề bức xúc. Trong đó, những nhóm học sinh bị lôi kéo vào tầng lớp “đẳng cấp cao” từ chỗ chỉ chạy theo xe đẹp, thời trang đẹp, điện thoại đẹp đã thể hiện sự “sành điệu” bằng việc thuê nhà nghỉ cắn thuốc lắc, xem phim sex, nghiện chơi games, sử dụng ma túy, tổ chức đua môtô trên đường phố, thậm chí tổ chức lừa đảo, cướp giật, giết người… PGS-TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhận định: “Hành vi lệch chuẩn đạo đức trong học sinh, sinh viên mà ngành Giáo dục đang phải đối mặt hằng ngày để uốn nắn các em là rất nhiều như: Vi phạm luật giao thông, bạo lực trong nhà trường, thiếu tôn sư trọng đạo, tham gia tệ nạn như mại dâm, cờ bạc, nghiện rượu... Hành vi lệch chuẩn còn là: Sống hưởng thụ, ăn chơi xa hoa, coi nặng giá trị vật chất, lười lao động và học tập, thiếu ý thức rèn luyện, không dám đấu tranh với cái sai...”.

Học sinh vi phạm Luật giao thông đường bộ như thế này không phải là hiếm (ảnh minh họa)
Học sinh vi phạm Luật giao thông đường bộ như thế này không phải là hiếm (ảnh minh họa)

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Nhưng đa số ý kiến cho rằng: áp lực từ việc dạy học kiến thức thuần túy đã khiến vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống học sinh chưa được quan tâm đúng mức. Chương trình học nặng nề, áp lực thi cử khiến thầy cô giáo chỉ lo truyền dạy kiến thức, bỏ quên việc “chăm sóc tinh thần” cho học sinh ở các trường phổ thông. Hiện nay, ít có thầy cô giáo chủ nhiệm nào hiểu cặn kẽ được hoàn cảnh, tâm tư, mong ước của học sinh lớp mình hoặc hiểu nguyên nhân dẫn đến những hành vi lệch lạc của các em.  Không được nhà trường trang bị bản lĩnh đạo đức, kỹ năng sống nên nhiều học sinh không chống đỡ nổi với cạm bẫy, cám dỗ, phát triển tâm lý lệch lạc, thậm chí vi phạm pháp luật. Thay vì bù đắp những hẫng hụt về tinh thần của các em, nhà trường chỉ biết áp dụng hình phạt. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng học sinh càng lên lớp cao càng sút giảm về mặt đạo đức, lối sống là do việc thực hiện chương trình giáo dục trung học đang bị mất cân đối (thời gian, chương trình dành cho việc “dạy chữ” quá nhiều; ngược lại dành cho việc “dạy làm người” lại quá ít). Nếu nhà trường có nhiều thời gian tổ chức được nhiều hoạt động ngoại khóa thu hút học sinh tham gia sẽ tránh được nguy cơ các em sa đà vào các việc tiêu cực ngoài xã hội. Thạc sĩ Đỗ Thị  Hải Viện Nghiên cứu môi trường  và các vấn đề xã hội cho rằng, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, áp lực học tập thi cử, sự quá tải của chương trình giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối nhiễu tâm lý ở trẻ vị thành niên. Để nâng cao đạo đức, lối sống cho học sinh rất cần sự hỗ trợ của người lớn. Bộ GD-ĐT cần xây dựng chương trình giáo dục kỹ năng sống cho từng cấp học, đào tạo  giáo viên, đưa môn này vào dạy trong chương trình học như một môn bắt buộc. Ngoài ra, việc kết hợp giáo dục giữa nhà trường-gia đình và xã hội cần được thắt chặt hơn.

Rõ ràng, việc giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống tội phạm, bạo lực trong học sinh phổ thông cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài được triển khai một cách đồng bộ. Như việc xây dựng đội ngũ giáo viên có chuyên môn và đạo đức tốt, đặc biệt là xây dựng lực lượng giáo viên chuyên thực hiện việc này và đội ngũ giáo viên làm công tác Đoàn - Đội; chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống; thiết lập, góp ý chương trình cho hiệu quả hơn... Về lâu dài, nên thực hiện tốt phong trào “Xây dựng  trường học thân thiện - học sinh tích cực”; tăng cường cơ sở vật chất, tạo cơ hội có nhiều thời lượng cho hoạt động dạy học đạo đức... Không những thế, công tác giáo dục tại các trường học cần làm tốt khâu phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội nhằm từng bước ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất những biểu hiện vi phạm đạo đức xảy ra... Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cho rằng, trong việc chăm sóc giáo dục thế hệ trẻ, vai trò của gia đình là không thể thiếu được. Trẻ em ngoan hay hư, gia đình có phần trách nhiệm lớn. Một số trường hợp trẻ em chỉ ngoan trong giờ học, ngoài giờ học thì hư, đó là do trách nhiệm của gia đình và xã hội. Người khẳng định: “Trước hết các gia đình (tức là ông bà, cha mẹ, anh chị) phải làm thật tốt công việc ấy (công việc chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng)” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12). Nhà trường là môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng với thế hệ trẻ trong xã hội hiện đại, bởi lẽ nhà trường, thầy cô giáo có trách nhiệm chăm lo dạy dỗ thế hệ trẻ thành người công dân tốt, người lao động tốt, người cán bộ tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Từ tiểu học, trung học cho đến đại học, là nơi rèn luyện nhi đồng và thanh niên. Óc của những người trẻ tuổi trong sạch như tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà”. Đặc biệt, trong cách nhìn nhận của Bác, môi trường xã hội là môi trường đa dạng, tác động đến cá nhân từ nhiều phía. Nếu được tổ chức tốt môi trường này sẽ rất hữu ích cho sự hình thành và phát triển nhân cách. Người cho rằng môi trường này trước hết là quần chúng nhân dân, là những người bình thường xung quanh mà chúng ta cần phải học và còn bao gồm các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các ngành, các cấp... có khả năng tác động đến cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, ba loại môi trường trên đều rất quan trọng, không thể thiếu một loại môi trường nào bởi “Giáo dục nhà trường dù tốt mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8). Không những thế, chính sự phối hợp tốt giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội sẽ làm thanh thiếu niên tự hào về Tổ quốc hơn, yêu lao động hơn, mau tiến bộ hơn, và chắc chắn họ sẽ trở thành những công dân tốt của đất nước. Người viết: “Cha mẹ, thầy giáo và cô giáo cùng các đoàn thể thanh thiếu niên là những người trực tiếp phụ trách giáo dục nhi đồng ... Sự phối hợp giáo dục từ gia đình đến cả xã hội, sẽ làm cho nhi đồng thấm nhuần. Nó hun đúc cho nhi đồng tinh thần nồng nàn yêu Tổ quốc, yêu lao động, yêu học hỏi. Như vậy các em sẽ trở nên mạnh khỏe, nhanh nhẹn, gan dạ, thật thà. Mai sau lớn lên, chắc chắn các em sẽ là những công dân tốt và những cán bộ tốt” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8).

 

Nguyễn Thị Thọ

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.