Multimedia Đọc Báo in

Mù chữ - một thách thức của sự phát triển

20:16, 18/09/2010

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), khả năng biết đọc, biết viết là "khả năng nhận biết, hiểu, sáng tạo, truyền đạt, tính toán và dùng chữ được in và viết ra, liên kết cùng với văn cảnh khác nhau". Và mù chữ được hiểu là tình trạng người không biết đọc, không biết viết .

UNESCO đã quyết định chọn ngày 8-9 hằng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ. Ngày này được kỷ niệm lần đầu tiên vào năm 1966 với mục đích nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phổ cập giáo dục cho các công dân, các cộng đồng và toàn xã hội. Đến bây giờ, khi mà thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 sắp trôi qua, việc xóa mù chữ vẫn là vấn đề mang tính cấp bách được cả thế giới quan tâm.

Ở nước ta, ngay sau ngày tuyên bố độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động chiến dịch xóa mù chữ, coi mù chữ như một quốc nạn. Tháng 9-1945, Nha Bình dân học vụ được thành lập, từ đó phong trào “Diệt giặc dốt” được dấy lên trong toàn xã hội. Như vậy, mù chữ ở nước ta đã từng được xem là một trong 3 loại giặc nguy hiểm (hai loại giặc kia là giặc đói và giặc ngoại xâm). Nay, chúng ta không còn bị ngoại xâm, chúng ta cũng không đói nhưng vẫn tồn tại “giặc dốt” bởi số lượng người mù chữ của cả nước  là gần 1,7 triệu (theo VNExpress ngày 28-10-2008).

Một lớp bình dân học vụ xóa mù chữ sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân năm 1945. (Ảnh: T.L)
Một lớp bình dân học vụ xóa mù chữ sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân năm 1945. (Ảnh: T.L)

Bác Hồ nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Thực hiện lời dạy của Người, đất nước ta đã và đang xây dựng một xã hội học tập và đã thu được nhiều kết quả. Vấn đề là làm sao để việc học trở thành một nhu cầu tự thân của mỗi cá nhân, “học để làm người” chứ không phải chỉ để lấy bằng cấp làm phương tiện tiến thân, phục vụ cho tham vọng “thăng quan, tiến chức”. Theo Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) thì Việt Nam đứng thứ 82 trong danh sách 175 nước với tỷ lệ người biết đọc, biết viết là 90,2%.
Nhưng cũng theo Wikipedia thì gần đây, Liên hiệp quốc đã định nghĩa lại khái niệm mù chữ trong thế kỷ mới:
-Loại thứ nhất là những người không biết chữ, không đọc sách được. Đó là loại mù chữ cũ theo nghĩa truyền thống.
-Loại thứ hai là những người không phân biệt được những phù hiệu, tín hiệu xã hội hiện đại (ví dụ như bảng đèn hiệu giao thông, biển báo nhà vệ sinh nam, nữ...).
-Loại thứ ba là những người không biết sử dụng máy tính để học tập, giao lưu, quản lý.

Với ba cấp độ như trên thì số người “mù chữ” ở nước ta không chỉ dừng lại ở con số gần 2 triệu và đây thực sự là một thách thức lớn đối với sự phát triển của đất nước. Bởi mù chữ gắn liền với các thách thức xã hội như nghèo đói, bất bình đẳng giới, bất bình đẳng về thu nhập, không tôn trọng quyền con người và người nghèo bị gạt ra khỏi nhịp điệu phát triển xã hội.

Chúng ta cần thấy rõ sự yếu kém trong khả năng đọc viết và các kỹ năng giao tiếp, tính toán ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của cá nhân và của toàn xã hội. Xóa mù chữ giúp con người tiếp cận nhiều cơ hội mới để phát triển và tham gia vào xã hội với những cách thức mới. Xóa mù chữ vì thế cần phải được nhìn nhận như một công việc thường xuyên, liên tục của quá trình phát triển.

Trương Thị Hiền

 


Ý kiến bạn đọc