Năm học 2010-2011: Không được ép buộc học sinh phổ thông học trên 6 buổi/ tuần dưới bất kỳ hình thức nào.
Đó là một trong những yêu cầu nằm trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học đối với giáo dục trung học (THCS, THPT và phổ thông Dân tộc nội trú) do Sở GD-ĐT Dak Lak ban hành ngày 7-9.
Năm học 2010 – 2011, Sở GD-ĐT yêu cầu thực hiện phân phối Chương trình học tập do Sở biên soạn, gồm 37 tuần học thực trong một năm học đối với cấp THCS và THPT (học kỳ I: 19 tuần, học kỳ II: 18 tuần). Sở cũng khuyến khích các trường có đủ điều kiện về giáo viên (GV), cơ sở vật chất bố trí dạy học trên 6 buổi/tuần, để tăng thời gian dạy học các nội dung khó; tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp; phụ đạo học sinh (HS) yếu, kém và bồi dưỡng HS giỏi. Ngược lại, nếu điều kiện chưa cho phép thì không được ép buộc HS phổ thông học trên 6 buổi/tuần dưới bất kỳ hình thức nào.
Học sinh Trường THCS Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) trong giờ học |
Đối với việc phân phối chương trình dạy học môn tự chọn nâng cao của ban Cơ bản có thể thực hiện bằng cách sử dụng sách giáo khoa (SGK) nâng cao hoặc biên soạn theo chương trình chuẩn kết hợp với chủ đề tự chọn nâng cao của môn học đó. Còn với chủ đề tự chọn bám sát, Hiệu trưởng các trường THCS, THPT cần lập kế hoạch cụ thể (chọn môn học, tên bài dạy, ấn định số tiết/tuần cho từng môn) cho từng lớp, ổn định trong từng học kỳ trên cơ sở đề nghị của Tổ trưởng chuyên môn và giáo viên chủ nhiệm lớp.
Về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục cần tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương pháp, kiểm tra, dạy học phân hóa trên cơ sở chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông. GV cần thiết lập bài giảng khoa học, câu hỏi phù hợp, tập trung vào trọng tâm bài; sắp xếp hợp lý hoạt động của GV và HS; sử dụng phù hợp SGK khi giảng bài trên lớp, tránh tình trạng dạy học thuần túy theo lối đọc - chép; chú trọng phát huy tính tích cực, hứng thú của HS và vai trò chủ đạo của GV trong tổ chức quá trình dạy học.
Các trường cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, coi trọng thực hành, thí nghệm, rèn luyện kỹ năng tự học, nghiên cứu của HS. Thực hiện dạy tích hợp các nội dung về: giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông vào môn Công nghệ và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với các chủ đề được biên soạn cụ thể.
Hồng Ngọc
Ý kiến bạn đọc