Multimedia Đọc Báo in

Nhà công vụ, mái ấm công đoàn: Niềm vui cho người “đưa đò”

09:00, 19/09/2010

Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, ngành Giáo dục Dak Lak đã và đang huy động tốt nội lực xây dựng nhà ở cho giáo viên, giúp họ yên tâm gắn bó trường lớp, cống hiến trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp trồng người.

Mái ấm của niềm tin
Từ năm 2008 đến nay, Công đoàn ngành Giáo dục đã hỗ trợ 73 cán bộ quản lý, giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây dựng nhà ở “Mái ấm công đoàn”, mỗi căn nhà được hỗ trợ 20 triệu đồng. Ông Nguyễn Đức Trản, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Dak Lak cho biết, “Quỹ đoàn kết tương trợ công đoàn” được xây dựng trên cơ sở đóng góp tự nguyện. Mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên đóng góp 1 ngày lương/năm và đã huy động được trên 1,4 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn làm nhà ở, phối hợp với sự hỗ trợ của công đoàn các trường: Đại học Tây Nguyên, Đại học Sài Gòn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh xây nhà công vụ cho giáo viên Trường THCS Trần Hưng Đạo (buôn Dak R’Mớk, xã Krông Nô, huyện Lak), trị giá 140 triệu đồng. Phải khẳng định rằng, Chương trình “Mái ấm công đoàn” thực sự đã tạo ra cơ hội tốt để mỗi cán bộ quản lý, giáo viên nghèo có điều kiện xây dựng nhà ở cho mình.
Chuyển về căn nhà mới được hơn một năm nhưng cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên Trường TH Nơ Trang Lơng (thị trấn Phước An, huyện Krông Pak) vẫn chưa thôi xúc động mỗi khi có ai đó hỏi thăm về ngôi nhà. Đây là tài sản được dựng xây từ sự cộng đồng chia sẻ của đồng nghiệp trong tỉnh. Trong vòng chưa đầy 2 năm, cô Hoa đã phải 2 lần chịu tang chồng, mẹ chồng. Những tưởng tai ương dừng lại, chỉ vài tháng sau đó, đứa con gái 2 tuổi trong một lần mải chơi không may bị tai nạn giao thông, tiếp đó, bố chồng lại bị tai biến nằm liệt giường, mọi gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai gầy yếu của cô giáo. “Nhà cách xa trường hơn 20 km, những lúc trời chuyển mưa, tôi như ngồi trên đống lửa, căn nhà mục nát không biết sẽ sụp đổ lúc nào”, cô Hoa nhớ lại. Thương hoàn cảnh cô Hoa đặc biệt, Công đoàn ngành Giáo dục huyện Krông Pak đã hỗ trợ 20 triệu đồng, hàng xóm, anh em góp thêm 30 triệu đồng để cô làm nhà ở. Có căn nhà khang trang, rộng hơn 40m2, cô Hoa không còn lo lắng mỗi khi trời mưa gió. “Đây sẽ là động lực giúp tôi vượt qua khó khăn trong cuộc sống và hoàn thành tốt trách nhiệm đối với học sinh thân yêu”, cô Hoa xúc động nói. Mỗi “Mái ấm công đoàn” được xây dựng đồng nghĩa với một niềm tin được thắp sáng. Do đó, Công đoàn ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động này để tinh thần thương người như thể thương thân lan tỏa sâu rộng trong toàn thể cán bộ, giáo viên”, ông Nguyễn Đức Trản, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh khẳng định.

Niềm vui của gia đình cô giáo Hoa (thứ 2 từ trái sang) trong căn nhà mới.
Niềm vui của gia đình cô giáo Hoa (thứ 2 từ trái sang) trong căn nhà mới.

Yên tâm “gieo” chữ
4 năm trước đây, huyện Krông Năng từng là “điểm nóng” về nhà ở cho giáo viên. “Lúc ấy, hầu hết giáo viên tại những điểm trường lẻ phải xin nhà dân hoặc mượn tạm phòng chức năng của trường để ở. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn (phòng ốc chật chội, nhà vệ sinh, nước sinh hoạt không có), không ít giáo viên chán nản, không muốn gắn bó với trường, lớp”, ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Năng nhớ lại. Vấn đề này đã được tháo gỡ, nhờ nguồn vốn của Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012. Đặc biệt chính quyền địa phương cũng đã tranh thủ các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng nhà ở cho giáo viên. Chỉ riêng năm 2010, toàn huyện được đầu tư xây dựng 8 nhà công vụ cho giáo viên từ nguồn vốn Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Cô Chu Thị Sương, giáo viên Trường TH Dliê Ya cho biết: “Năm học 2010 - 2011, nhà trường được đầu tư xây dựng 2 phòng công vụ (32 m2/phòng) cho 10 giáo viên nhà ở xa trường. Phòng ở mới rộng thoáng, có công trình phụ khép kín, chúng tôi rất yên tâm công tác, không  còn phải tá túc tạm bợ mỗi buổi trưa như trước đây”. Thầy Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Phòng GD - ĐT huyện cho biết thêm: Chăm lo đời sống cho giáo viên, nhất là chỗ ở, ngành đã tranh thủ tốt các nguồn vốn của trung ương, tỉnh, đặc biệt là huy động sự đóng góp của cán bộ, giáo viên (ủng hộ 1 ngày lương/năm) và đóng góp của phụ huynh học sinh. Được biết, tại các xã Ea Tam, Cư Klông (huyện Krông Năng) chính quyền địa phương còn đầu tư hơn 100 triệu đồng để làm nhà tập thể cho giáo viên. “Anh, chị, em giáo viên không chỉ  đem cái chữ đến cho con em mình mà còn góp phần nâng cao dân trí, tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số bỏ những hủ tục, giữ gìn, phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống”, ông Trần Đại Hà, Chủ tịch UBND xã Ea Tam nói.

Nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa hay “Mái ấm công đoàn” cho những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn chính là nhân tố quyết định để các thầy cô giáo “lạc nghiệp”, đem hết tâm huyết của mình cống hiến cho sự nghiệp trồng người mà họ đã chọn dẫu biết nghề “gieo chữ” rất nhiều gian lao, vất vả.

Ông Vũ Văn Huynh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết, theo Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 tỉnh ta đã được đầu tư xây dựng 38.760m2 nhà công vụ.  Đến thời điểm này đã xây dựng được 17.182 m2, khoảng 42 tỷ đồng (Năm học 2008-2009 xây dựng: 11.811m2; 2009-2010 xây dựng: 5.371m2). Trong quá trình xây dựng, ngành ưu tiên đầu tư cho những trường vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn nhằm động viên đội ngũ giáo viên yên tâm bám lớp, bám trường.

Nguyên Hoa - Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc