Multimedia Đọc Báo in

“Nhấp nhổm” giáo dục trung cấp chuyên nghiệp

09:54, 26/09/2010

So với mặt bằng chung của cả nước, các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trên địa bàn tỉnh ta có nhiều thuận lợi trong công tác tuyển sinh do nguồn học sinh đầu vào khá dồi dào. Tuy nhiên, cũng không ngoại lệ, bậc học này hiện đang thiếu tính ổn định bởi nhiều nguyên nhân.

“Trọng chữ hơn trọng nghề”
Khi các trường công bố chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng 3, cũng đồng nghĩa với cánh cổng bước vào giảng đường đại học đối với một số học sinh đã khép lại. Lúc này, nhiều bạn trẻ mới tất bật nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường TCCN. Sau nhiều ngày chờ đợi phập phù, biết chắc không thể đỗ vào trường đại học yêu thích, bạn Đinh Minh Duy (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) quyết định nộp hồ sơ xét tuyển vào chuyên ngành Công nghệ Thông tin Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Dak Lak. Năm ngoái, sau khi trượt đại học, Duy đăng ký học tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Quảng Ngãi, đồng thời vừa ôn thi đại học nhưng “mộng” lại không thành. Vì vậy Duy quyết tâm lấy tấm bằng trung cấp, sau khi được gia đình hứa sẽ đầu tư kinh phí mở một tiệm Internet và sửa chữa máy tính tại nhà.

“Chưa có ngành học nào lại thiếu ổn định như TCCN”, ông Trương Thức, Trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở Giáo dục - Đào tạo khẳng định. Ông Thức phân tích, nếu như các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đã đi vào nền nếp với sự quan tâm đầu tư đồng bộ về mọi mặt, thì bậc học TCCN lại nhận được rất ít sự quan tâm; dẫn đến không chỉ thiếu ổn định về: quy mô đào tạo, đội ngũ quản lý, giáo viên, chương trình đào tạo mà sĩ số học sinh cũng dao động qua mỗi kỳ học. Điều này được minh chứng, tỷ lệ hao hụt học sinh tại các trường TCCN trên địa bàn tỉnh hằng năm luôn ở mức 30-40%. Với không ít học sinh, trường TCCN chỉ là chỗ “trú chân” tạm thời để tìm kiếm cho mình cơ hội tốt hơn hoặc sau khi đã trải qua nhiều mùa thi tuyển, biết rõ khả năng không thể chạm chân tới cổng trường đại học. Sự thiếu ổn định của ngành học này còn thể hiện qua thời gian tuyển sinh. Nếu như bậc đại học, cao đẳng có thời gian tuyển sinh cụ thể, thì các trường TCCN kéo dài đến ngày 31-12 hằng năm và được tổ chức xét tuyển thành nhiều đợt. Và dẫu xét tuyển nhiều đợt, nhiều trường vẫn khó tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

Học đại học “oai” hơn, có tấm bằng cử nhân sẽ dễ dàng tìm kiếm việc làm, tâm lý này đã ăn sâu vào tiềm thức của xã hội. Công bằng mà nói, hiếu học là truyền thống đáng tuyên dương, khích lệ, tuy nhiên việc quá “sính” bằng đại học, bất chấp năng lực, khả năng học tập là điều không nên. Trong khi đó, với sự đa dạng về hình thức đào tạo, sự liên kết giữa các trường, ước mơ học đại học vẫn có thể trở thành hiện thực bằng con đường học liên thông, ông Võ Ngọc Trịnh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Dak Lak phân tích.

Không chỉ thiếu ổn định do tâm lý của phụ huynh và học sinh, bản thân những người làm công tác quản lý ở các trường TCCN cũng có tâm lý “nhấp nhổm”. Sau một thời gian thành lập, bước qua giai đoạn kiến thiết cơ bản, các trường lại ngấp nghé xin nâng cấp thành trường cao đẳng, đại học, cái đích cuối cùng vẫn để thực hiện công tác tuyển sinh được dễ dàng hơn, lãnh đạo một trường TCCN chia sẻ.

Phụ huynh, học sinh chờ nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Dak Lak.
Phụ huynh, học sinh chờ nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Dak Lak.


Sự năng động của các trường
Trong khi một số trường đang loay hoay với công tác tuyển sinh, thì  các trường: Trung cấp Sư phạm Mầm non, Trung cấp Y tế, Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Dak Lak số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển đã vượt xa chỉ tiêu giao, thậm chí còn xin thêm chỉ tiêu tuyển sinh. Ngoài nguyên nhân khách quan, ngành đào tạo của những trường này đang được xã hội quan tâm, bản thân các trường đã năng động trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh. Tiến sĩ Nguyễn Chiến, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Công nghệ Tây Nguyên cho biết, ngay từ đầu năm học, cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh của trường đã đến từng trường THCS, THPT tuyên truyền, giới thiệu về quy mô, ngành nghề đào tạo giúp học sinh định hình, có cơ sở lựa chọn ngành nghề. Thạc sĩ Thái Thị Mỹ Bình, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non phân tích, trong tổng số 256 chỉ tiêu trúng tuyển vào trường năm học 2010, đã có 146  học sinh bậc trung học cơ sở.  Rõ ràng, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh sớm sẽ giúp các em nhìn nhận đúng năng lực, sở thích để có sự lựa chọn phù hợp. Mặt khác, các trường cần phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo để khẳng đinh vị thế của mình đối với phụ huynh, học sinh. Quan trọng hơn, chính là sau khi tốt nghiệp ra trường, với tấm bằng TCCN các em có thể tìm được một việc làm ổn định. Do đó, các trường TCCN cần năng động trong công tác đào tạo, cho “ra lò” những người thợ có tay nghề vững vàng, tác phong công nghiệp, đáp ứng nhu cầu công việc thực tế, có như vậy mới trở thành những địa chỉ để học sinh tín nhiệm, lựa chọn. 

 

 

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc