Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành 5 chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng yêu cầu của người học
Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành 5 chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ.
Các chương trình cụ thể gồm: giáo dục pháp luật; giáo dục văn hóa - xã hội; giáo dục bảo vệ môi trường; giáo dục bảo vệ sức khỏe và giáo dục phát triển kinh tế.
Theo đó, Chương trình giáo dục văn hóa - xã hội dự kiến được thực hiện trong khoảng 450 tiết (150 buổi; mỗi buổi 3 tiết); Chương trình giáo dục phát triển kinh tế dự kiến được thực hiện trong 300 tiết (100 buổi; mỗi buổi 3 tiết); Chương trình giáo dục pháp luật: 150 tiết (50 buổi; mỗi buổi 3 tiết); Chương trình giáo dục bảo vệ sức khỏe: 300 tiết (100 buổi; mỗi buổi 3 tiết); Chương trình giáo dục bảo vệ môi trường 300 tiết (100 buổi; mỗi buổi 3 tiết). Tuỳ theo nhu cầu, điều kiện và khả năng của từng địa phương, tuỳ theo vốn kinh nghiệm và hiểu biết đã có của người học, thời lượng của chương trình này có thể nhiều hoặc ít hơn và thời gian thực hiện Chương trình này có thể ngắn hoặc dài hơn.
Ảnh minh họa |
Đây là những chương trình chung cho toàn quốc, vì vậy chỉ đề cập tới những nội dung chung nhất, những nội dung tương đối ổn định mà mọi người dân trong cả nước cần phải biết. Dựa vào Chương trình, các địa phương tự xây dựng nội dung riêng cho phù hợp với yêu cầu chung của quốc gia và phù hợp với nhu cầu của người học và vấn đề cụ thể của từng địa phương.
Chương trình này được thiết kế linh hoạt, mềm dẻo, không có cấu trúc chặt chẽ theo thời gian, theo thứ tự và theo cấp lớp. Các địa phương có thể lựa chọn bất kỳ chuyên đề nào trong chương trình tuỳ theo nhu cầu của người học và yêu cầu của từng địa phương, từng cộng đồng trong từng thời điểm cụ thể, không cần theo thứ tự.
H.N (nguồn GD&TĐ)
Ý kiến bạn đọc