Học sinh tốt nghiệp trường nghề... lên ngôi
Trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng đang trong tình trạng không tìm được việc làm đúng với chuyên môn hoặc đang thất nghiệp thì hầu hết học sinh tốt nghiệp các trường nghề trong tỉnh đều đã có việc làm phù hợp với khả năng, nghề nghiệp của mình, thậm chí có những nghề học sinh chưa tốt nghiệp doanh nghiệp đã “đặt hàng”…
Đúng đắn khi chọn trường nghề
Là người dân tộc Nùng ở xã Ea Vy, huyện Ea H’leo, tốt nghiệp PTTH, cũng như bao bạn trẻ khác, Lý Thị Điệp thi vào đại học, nhưng kết quả không như mong muốn. Vốn dĩ khéo tay, thích khâu vá, nội trợ nên khi biết Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên có khoa May hệ trung cấp, Điệp đã ghi danh theo học. Điệp tâm sự: “Em nghĩ rằng “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” vì vậy nghề gì mà mình đam mê và cố gắng học tốt thì cũng cho kết quả công việc như ý”. Chính vì vậy Điệp đã nỗ lực học tập để cuối năm học 2009-2010 được trường cử đi thi học sinh giỏi nghề toàn quốc và đã đạt giải khuyến khích. Tốt nghiệp vào tháng 6-2010, Điệp cùng các bạn trong khóa đều được các doanh nghiệp may mặc trong và ngoài tỉnh “săn đón”. Vì đã được thực tập tại Công ty TNHH May Tây Nguyên và để được gần nhà nên Điệp nộp hồ sơ vào đây. Sau 3 tháng làm việc, nay tay nghề của cô thợ may khá thành thục, mỗi tháng thu nhập gần 2 triệu đồng, được ăn, ở tại Công ty nên khoản tiền này Điệp tích lũy và gửi về giúp đỡ gia đình. Hiện nay, Điệp cùng 4 bạn khác đều tốt nghiệp khóa May 07A với cô đang được Công ty TNHH may Tây Nguyên đào tạo, huấn luyện để trở thành cán bộ quản lý tại phân xưởng ở các khâu may, kiểm định, giám sát…
Hầu hết học sinh các trường nghề đã rất hài lòng với sự lựa chọn của mình. Nguyễn Phương Du (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) và Lê Xuân Miêu (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) là 2 trong số 20 học sinh của khoa Công nghệ Ô tô, Trường Trung cấp Nghề Dak Lak vừa tốt nghiệp khóa học vào tháng 7-2010 đã được Công ty Ô tô Thành Đô (của hãng Hyundai ở TP. Hồ Chí Minh) nhận vào làm ngay sau khi ra trường. Thời gian học tại trường đã giúp các học sinh nhận ra rằng quyết định chọn trường nghề của mình là đúng đắn. Phương Du cho biết “Ngoài đội ngũ giáo viên năng động, dạy theo phương pháp tích cực, tôi còn được thực hành trên những máy móc hiện đại. Chúng tôi được thầy cô giáo giới thiệu đến thực tập ở những cơ sở lớn và sau khi ra trường còn được thầy cô hướng dẫn, giới thiệu vào những công ty, doanh nghiệp uy tín, thu nhập xứng đáng để làm việc”.
Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ của các trường nghề thì hơn 80% các cơ sở tin học trên địa bàn tỉnh đều có các cựu học sinh trường nghề tham gia. Khóa học vừa qua cũng có đến gần 10 học sinh các trường nghề trong tỉnh thi đỗ vào các trường đại học, trong đó đa phần đều thi vào trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh - đây sẽ là nguồn nhân lực tốt bổ sung cho đội ngũ giáo viên nghề của tỉnh nhà trong tương lai.
Lý Thị Điệp đang làm việc tại Công ty TNHH May Tây Nguyên. |
Trường nghề lên ngôi
Năm 2010, gần 800 học sinh hệ cao đẳng và trung cấp của 2 trường nghề trong tỉnh (Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên, Trung cấp Nghề) tốt nghiệp đã được thị trường lao động đón nhận nồng nhiệt. Hơn 80% số học sinh tốt nghiệp đều có việc làm, nhiều học sinh được các công ty, doanh nghiệp “đặt hàng” ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Thầy Hoàng Đức Phùng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Dak Lak cho biết: Năm 2010, trường có 244 học sinh hệ trung cấp (2 năm và 3 năm) đỗ tốt nghiệp ở 8 nghề (Điện dân dụng; Điện tử dân dụng; Điện công nghiệp; Điện tử công nghiệp; Sửa chữa lắp ráp máy tính; Quản trị mạng máy tính; Cắt gọt kim loại; Hàn và Công nghệ ô tô). Theo thống kê chưa đầy đủ thì sau khi tốt nghiệp có đến trên 80% các em đã có việc làm. Một số nghề như hàn, cắt gọt kim loại và công nghệ ô tô, ngay từ khi chưa kết thúc khóa học các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đến đặt vấn đề tuyển dụng với nhà trường. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp 100% các em đều có việc làm ngay. Tiềm năng việc làm đối với học sinh trường nghề là rất lớn. Một số doanh nghiệp như Nhà máy Tinh bột sắn (Dak Nông); Công ty TNHH sản xuất thiết bị Công nghiệp Sơn Việt (TP. Hồ Chí Minh); Công ty Ô tô Đô Thành (TP. Hồ Chí Minh); Công ty TNHH An Thịnh (Dak Lak) cùng một số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vẫn thường xuyên “đặt hàng” với trường về nguồn nhân lực sau đào tạo.
Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên có 416 học sinh tốt nghiệp hệ trung cấp và 125 học sinh hệ cao đẳng tốt nghiệp trong năm 2010 với 15 ngành học. Thầy giáo Phạm Ngọc Châu, Hiệu trưởng nhà trường rất hài lòng với trên 70% số học sinh, sinh viên của trường vừa tốt nghiệp đã có việc làm phù hợp. Một số nghề như: thú y; may và thiết kế thời trang; xây dựng; gia công và thiết kế sản phẩm mộc 100% học sinh sau khi tốt nghiệp đều có việc làm tốt tại các doanh nghiệp, cơ sở trong tỉnh như Công ty chế biến gỗ Trường Thành; Công ty chế biến gỗ Krông Buk; Công ty TNHH may Tây Nguyên; các trang trại, trạm thú y; các công ty xây dựng… Ông Đặng Văn Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH May Tây Nguyên cho biết: Nhu cầu nhân lực của Công ty rất lớn, hiện tại Công ty còn thiếu 100 nhân công và trong thời gian tới sau khi cải tạo, mở rộng lại nhà xưởng, Công ty cần thêm khoảng 400 lao động nữa. Công ty rất muốn được tiếp nhận các học sinh tốt nghiệp trường nghề vì họ được đào tạo bài bản, ngoài khả năng làm việc tốt, không phải đào tạo lại, họ còn có kiến thức về sư phạm nên trong số những lao động vừa tốt nghiệp ra trường về làm việc ở đây Công ty đang chọn 5 em để tạo nguồn cán bộ phụ trách các bộ phận trong phân xưởng…
Với chủ trương mới, bắt đầu từ năm nay, tất cả hệ thống giáo dục dạy nghề, bao gồm trung cấp, cao đẳng nghề thuộc Bộ GD&ĐT hay Bộ LĐ-TB&XH đều có thể liên thông lên đại học. Học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề được thi lên hệ cao đẳng nghề của trường hoặc thi vào các trường cao đẳng, đại học khác. Chính vì vậy có rất nhiều học sinh trung cấp nghề sau khi tốt nghiệp vừa tìm việc làm vừa học liên thông lên cấp học cao hơn. Các trường nghề vì vậy mà đang trở thành sự lựa chọn của nhiều học sinh tốt nghiệp THCS và THPT. Bước vào năm học mới 2010-2011 số học sinh đăng ký vào các trường nghề trong tỉnh tăng gần gấp đôi so với những năm học trước. Đây thực sự là một tín hiệu vui đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh nhà.
Ý kiến bạn đọc