Ngành giáo dục huyện Ea Súp: Nỗ lực ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học
Vì nhiều lý do như: nhà nghèo, bố mẹ ít quan tâm, học lực kém…, những năm gần đây, trên địa bàn huện Ea Súp, tình trạng học sinh (HS) bỏ học diễn ra khá nhiều, đặc biệt là cấp tiểu học (TH) và THCS. Điều này đang kéo theo nhiều hệ lụy đáng buồn đối với ngành giáo dục địa phương.
Theo thống kê sơ bộ của Phòng Giáo dục huyện Ea Súp, chỉ trong 2 năm học (2008- 2009, 2009 – 2010), toàn huyện đã có gần 300 HS bỏ học giữa chừng, trong đó có 67 em TH và 226 em THCS. Năm nào cũng vậy, cứ sau mỗi kỳ nghỉ hè, tết nguyên đán, hoặc vào ngày mùa… sĩ số HS tại các trường TH, THCS trên địa bàn huyện lại vơi đi trông thấy, nhất là ở các xã vùng sâu, nơi biên giới. Tại Trường THCS Quang Trung (thị trấn Ea Súp), những năm qua, tình trạng HS bỏ học diễn ra khá nhiều, chỉ tính riêng 2 năm học, từ 2008 đến nay, đã có gần 60 em bỏ học (ở tất cả các khối). Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một số phụ huynh về việc học của con em mình chưa cao, vào mùa vụ, các em thường phải bỏ học ở nhà phụ giúp gia đình, nhất là đối với HS dân tộc thiểu số (DTTS); nhiều bậc cha mẹ mải lo làm kinh tế mà quên quan tâm đến việc học hành của con cái, nên đã từng xảy ra chuyện “cười ra nước mắt”. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hồng cho hay, có lần một phụ huynh đến trường họp cho con mà nhầm lớp, ngồi cả buổi vẫn không thấy giáo viên gọi tên con mình, hỏi ra mới biết, em HS đó bị ở lại lớp năm học vừa qua. Có hàng trăm lý do dẫn đến việc HS bỏ học, trong đó phải kể đến là nhiều em vì ham chơi game, hay do sự quản lý lỏng lẻo của gia đình nên đi học buổi được, buổi mất, không theo kịp chương trình, dẫn đến chán nản mà bỏ học(!) Trường TH thị trấn Ea Súp không chỉ “đau đầu” vì chuyện HS bỏ học hàng năm khá cao, mà chất lượng học tập của các em cũng rất thấp, do tỷ lệ HS DTTS trong trường chiếm 85- 90%, hầu hết các em khi vào lớp một đều chưa qua mẫu giáo, không hiểu tiếng Kinh (tiếng phổ thông), nên việc dạy và học gặp rất nhiều khó khăn. Cô giáo Mai Thị Cậy cho biết, mỗi năm cô được phân công chủ nhiệm một lớp với khoảng 25- 28 HS, trước đây, tỷ lệ các em đạt khá giỏi gần như không có, còn được lên lớp cũng chừng 5- 7 em. Đến nay, chất lượng HS có khởi sắc hơn, song, tỷ lệ được lên lớp chỉ 17- 19 em/năm, trong đó khá giỏi có 3- 5 em. Việc HS bỏ học kéo theo nhiều hệ lụy không vui cho gia đình và nhà trường, có em mải theo bố mẹ lên nương rẫy mà quên đi con chữ, có em thì chơi bời lêu lổng, nảy sinh trộm cắp, đánh nhau, hoặc đến trường cũ gây rối.
Cô giáo Mai Thị Cậy, Trường Tiểu học thị trấn Ea Súp trong một buổi lên lớp. |
Trước thực trạng trên, nhiều trường học ở Ea Súp đã và đang triển khai các giải pháp để chấn chỉnh tình trạng HS bỏ học. Cụ thể, từ đầu năm học 2010- 2011, Trường THCS Quang Trung đã phối hợp với Hội phụ huynh HS tổ chức thêm các buổi học phụ đạo (HS nghèo chỉ đóng 50%, HS DTTS được miễn học phí). Thầy giáo Phan Đình Hảo bộc bạch, nhiều khi thầy cô phải đến nhà HS vận động phụ huynh tạo điều kiện để các em đi học, hoặc huy động HS, giáo viên đóng góp, hỗ trợ những em có hoàn cảnh khó khăn, khi cây bút, tập vở, lúc áo quần, cùng với việc tạo môi trường thân thiện giữa gia đình và nhà trường, thầy cô và HS để các em yên tâm đến lớp, nhờ đó, số lượng HS bỏ học trong đầu năm nay chỉ có 3 trường hợp, giảm khoảng 30 % so với năm trước. Nhiều trường khác trong huyện còn nỗ lực về tận thôn buôn, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, dòng tộc để vận động các em không bỏ học. Bên cạnh đó, hằng năm, Phòng Giáo dục huyện đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên; phối hợp với phụ huynh HS tìm các biện pháp giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học. Từ những nỗ lực trên, đến nay tình trạng HS bỏ học trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể, tính riêng trong đầu năm học này chỉ có khoảng 20 em bỏ học, giảm hơn 50% so với cùng thời điểm năm học trước.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc