Bức thiết đồ dùng dạy học bộ môn Tiếng Êđê
Lần đầu tiên tổ chức, nhưng Hội thi đồ dùng dạy học (ĐDDH) tự làm môn Tiếng Êđê lần thứ nhất (diễn ra đầu tháng 11-2010) đã thu hút sự tham gia của 14 phòng GD-ĐT và các trường phổ thông đân tộc nội trú, với 136 ĐDDH tự làm. Những phế, vật liệu như cọng tranh, đoạn tre, nứa, quả bầu khô hay miếng xốp cũ đến vỏ lon bia, bìa cứng..., nhưng qua đôi bàn tay khéo léo, sự tận tâm của các giáo viên (GV) đã trở thành những ĐDDH sinh động, hấp dẫn.
Với Hội thi, lần đầu tiên đội ngũ quản lý, giáo viên (GV) dạy tiếng Êđê trong toàn tỉnh có cơ hội gặp gỡ nhau. Càng thú vị hơn cuộc hội ngộ chính là sân chơi để họ cùng “so tài”, học tập kinh nghiệm giảng dạy, làm ĐDDH.
Các mẫu ĐDDH được thể hiện dưới các dạng như: khung dệt, nhà sàn, cung tên, rựa, Đing năm, ching Kram, Hna, Ding, Tiông, mô hình buôn văn hóa, trường học, đồng hồ dạy chữ… Không chỉ tận dụng những vật liệu sẵn có như: tranh, tre, nứa, quả bầu, nhiều GV đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin làm những ĐDDH hấp dẫn, sinh động giúp học sinh (HS) dễ dàng nắm bắt bài học, điển hình như: Đồng hồ dạy chữ (Phòng GD-ĐT huyện Ea H’leo), Đèn hiệu và một số biển báo giao thông (Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana), Bộ chữ cái (Phòng GD-ĐT huyện Ea Kar), Bộ tranh ảnh, mẫu vật, con vật (Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana)... Đặc biệt, nhiều GV còn đầu tư công sức bố trí các ĐDDH trong không gian văn hóa, giúp HS cảm nhận sâu sắc hơn về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình: Mô hình buôn văn hóa (Phòng GD-ĐT thị xã Buôn Hồ), Bộ đồ dùng sinh hoạt gia đình của người Êđê (Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana), Nhà sàn (Phòng GD-ĐT huyện Ea Kar), Đing năm (Phòng GD-ĐT huyện Krông Năng), Chong chóng đuổi chim (Phòng GD-ĐT thị xã Buôn Hồ)…
Cán bộ Phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Buôn Hồ đang giới thiệu về mô hình Buôn văn hóa tại Hội thi đồ dùng dạy học Tiếng Êđê lần thứ nhất. |
136 ĐDDH tự làm đem đến Hội thi không chỉ đẹp về hình thức, mà còn bảo đảm tính khoa học, giáo dục, ứng dụng cao và đậm đà bản sắc vản hóa dân tộc. Qua đó, cho thấy phong trào làm ĐDDH bộ môn tiếng Êđê không còn là chuyện hiếm ở các trường mặc dù chiếm rất nhiều thời gian, công sức. Thầy giáo Y Ning Niê, Trường Tiểu học Ea Truôl (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) chia sẻ, trước đây, khi chưa có sách giáo khoa dành riêng cho bộ môn tiếng Êđê, GV có thể dùng những thiết bị, đồ dùng của môn tiếng Việt để minh họa cho bài học. Tuy nhiên, từ khi chương trình dạy tiếng Êđê cấp tiểu học có sách giáo khoa riêng, GV phải tự làm ĐDDH. Mọi thứ trực quan sinh động thì mới hấp dẫn các em. HS thích thú thì bài giảng mới thành công. Thầy Y Ning Niê dẫn chứng: “Khi giảng về cái nỏ, không ít GV loay hoay giải thích mãi HS vẫn không hiểu cái nỏ là gì, nhưng khi có cái nỏ bên cạnh thì em nào cũng biết. Hay khi giảng về nhạc cụ Đing năm, tôi đã thổi cho các em nghe một đoạn nhạc và sau đó, mới dạy từ vựng liên quan đến nhạc cụ này”. Còn cô H’Wing ÊNuôl, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, vận động HS dân tộc thiểu số đến trường đã khó, để các em gắn bó, yêu trường, lớp lại càng khó hơn. Đổi mới phương pháp giảng dạy và tự làm ĐDDH của GV được xem là một trong những biện pháp “níu chân” học sinh. Trên thực tế, sở dĩ học sinh DTTS bỏ học giữa chừng nhiều là do không hiểu bài, chán nản. Nếu GV không tự làm ĐDDH thì chỉ có cách dạy chay và khó lòng đổi mới phương pháp giảng dạy chỉ bằng bảng đen, phấn trắng.
Ông Nguyễn Văn Thú, phụ trách Ban Nghiên cứu học sinh dân tộc (Sở GD-ĐT) khẳng định, qua Hội thi lần này cho thấy, chỉ mới có khoảng 15-20% số tiết học của bộ môn tiếng Êđê có sử dụng ĐDDH. Như vậy, cũng có nghĩa, trên 80% số tiết học đang còn phải dạy chay - học chay. Hiện tại, nhu cầu về ĐDDH là rất bức thiết. Do đó, việc mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học của bộ môn tiếng Êđê chỉ có thể thành hiện thực, khi tình trạng dạy chay - học chay chấm dứt.
Ý kiến bạn đọc