Multimedia Đọc Báo in

Trường Dục Thanh - nơi Bác đã dừng chân

09:51, 25/11/2010

Không khang trang, quy mô như những mái trường thời nay, Trường Dục Thanh (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) -nơi Bác đã dừng chân dạy học vẫn khép mình dưới những tán cây xanh. Dưới mái trường ấy, đã để lại bao nhiêu kỷ niệm về một người thầy, để mỗi lần du khách ghé thăm đều thấy xốn xao lòng.

Trường được xây dựng vào năm 1907, với mục đích hưởng ứng phong trào Duy Tân do cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng. Trường do các cụ Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh (hai người con của nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông) thành lập. Mục tiêu của phong trào Duy Tân và của trường là mở mang dân trí, thức dậy ý thức giống nòi, dân tộc. Đây là trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ nhất ở Bình Thuận lúc bấy giờ. Năm 1910, thầy giáo Nguyễn Tất Thành được cụ nghè Trương Gia Mô giới thiệu đã đến Phan Thiết và dừng chân dạy học ở Trường Dục Thanh. Học sinh của trường có khoảng 60 người cùng 7 thầy giáo giảng dạy các bộ môn: Hán văn, Pháp văn, Thể dục - Thể thao... Lúc ấy, Nguyễn Tất Thành là thầy giáo trẻ nhất trường (20 tuổi). Tại đây, Người đã dạy cho học sinh rất nhiều kiến thức ở hầu hết các bộ môn, điều hay lẽ phải về lối sống giản dị, khiêm tốn, biết yêu, gần gũi với thiên nhiên. Và hằng ngày, sau giờ nghỉ lại ra chăm sóc cây khế sau vườn… Năm 1911, Người rời trường, vào Sài Gòn đi tìm đường cứu nước. Sang năm 1912, trường đóng cửa vì một số lý do: cụ Nguyễn Trọng Lội qua đời, ông Nguyễn Quý Anh cũng chuyển vào Sài Gòn… Giờ đây, những học trò xưa không còn nữa, Bác cũng đã đi xa, nhưng cây khế ngày nào vẫn vươn cao, chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết ở vùng đất đầy nắng và gió của xứ sở miền Trung. Nhiều người tò mò hỏi rằng đó là cây khế chua hay ngọt, còn người dân nơi đây thì cho rằng đó là cây khế vừa có vị chua và ngọt nên họ thường dùng để nấu canh chua với cá biển, ngọt bởi họ cho rằng đây là tình yêu chân thành mà Bác dành cho người dân Bình Thuận.

Cây khế hơn 100 năm tuổi tại khuôn viên Trường Dục Thanh.
Cây khế hơn 100 năm tuổi tại khuôn viên Trường Dục Thanh.

Tỉnh Bình Thuận ngày nay có nhiều thay đổi, từ những con đường làng đến khu thành thị đông đúc, TP. Phan Thiết được mệnh danh là “thành phố của các hệ thống Resort”, “thành phố nhật thực” với những thiên đường lộng lẫy trên bãi cát được hình thành ven bờ biển thơ mộng. Du khách sẽ được thả hồn mình trên những thảm cỏ xanh tại sân gôn Sea Link tuyệt đẹp. Nhưng mỗi lần ghé thăm mái trường Bác dạy năm xưa, du khách lại có những giây phút mang hơi thở của hoài niệm, nét suy tư, thiên về chiều sâu tâm thức. Về với Khu di tích Trường Dục Thanh, mọi du khách đều dành cho người cha già dân tộc một tấm lòng thành kính. Anh Trọng, một du khách ở tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong chuyến đi này, tôi đã được chiêm ngưỡng mọi vẻ đẹp của TP. Phan Thiết, mỗi nơi đều để lại những ấn tượng riêng, nhưng với Trường Dục Thanh, bản thân anh lại có những cảm nhận về một người thầy có nhân cách cao cả, ý chí kiên cường…
 Ngày nay, trong khu Trường Dục Thanh còn giữ lại được gần như nguyên vẹn những kỷ vật như: nhà Ngự - nơi các thầy giáo và học trò ăn ở nội trú, Ngọa Du Sào - nơi Bác từng đọc nhiều sách quý, báo chí tiến bộ, cây khế sau vườn - nơi thầy Thành hay tưới nước cho vườn cây vào những buổi chiều. Ngày nay nơi đây có một quần thể bao gồm nhà Bảo tàng, di tích Trường Dục Thanh tạo thành một khu tham quan học tập rộng 7.000m2. Tại đây hiện có trên 890 tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị. Khu bảo tàng đã đón tiếp nhiều đoàn, nhiều cá nhân trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu cuộc đời hoạt động thời trẻ tuổi của Bác và tưởng niệm một con người đã trở thành danh nhân Văn hóa Thế giới.

Trải theo chiều dài của đất nước, ở khắp mọi miền Bắc – Trung – Nam, chúng ta có thể tìm thấy những khu di tích, bảo tàng để tưởng nhớ về Người như: Quê Bác (Nghệ An), Trường Quốc học Huế (TP.Huế), Bến cảng Nhà Rồng (TP.Hồ Chí Minh)… Mỗi địa điểm đều gắn với những dấu ấn về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Về với Trường Dục Thanh, tất cả những người con của đất nước có hình chữ S đều gọi Người bằng cái tên rất đỗi thân thương, đầy niềm tự hào và lòng kính trọng: “Thầy Thành”.

 

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc