Multimedia Đọc Báo in

Góp phần giáo dục học sinh học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ trong chương trình Ngữ văn bậc Trung học cơ sở

08:16, 18/12/2010

Trong chương trình Ngữ văn bậc Trung học cơ sở (THCS) từ lớp 6 đến lớp 9, các bài học nói về Bác Hồ đã được xây dựng khá hoàn thiện, thể hiện rõ tư tưởng, đạo đức cao đẹp của Bác Hồ. Đây là điều kiện thuận lợi để giáo viên giáo dục học sinh học tập và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khi dạy bài “Đêm nay Bác không ngủ” ở chương trình Ngữ văn lớp 6, giáo viên cần có hệ thống câu hỏi hợp lý dẫn dắt học sinh cảm nhận được hình tượng cao đẹp của Bác Hồ trong đêm không ngủ trên đường hành quân bước vào chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950. Đó là hình ảnh cao đẹp của một vị Tổng chỉ huy dồn hết tâm huyết để chỉ huy chiến dịch thắng lợi; đồng thời là một vị Tổng chỉ huy có tình yêu thương chiến sĩ như con của mình. Từ đó, xây dựng cho các em một tình cảm kính yêu Bác, tự nguyện học tập và làm theo những phẩm chất cao đẹp của Bác được thể hiện trong bài thơ.

Khi dạy bài “Đức tính giản dị của Bác Hồ” trong chương trình Ngữ văn lớp 7, giáo viên cần giúp các em thấy được: bằng những dẫn chứng chân thật, tiêu biểu, toàn diện, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thể hiện rõ đức tính giản dị của Bác Hồ trong đời sống hằng ngày cũng như trong lời nói, bài viết. Từ đó, giáo dục cho các em biết noi gương Bác để xây dựng cho mình một lối sống giản dị trong đời sống hằng ngày, một tinh thần say mê học tập, tích cực tham gia các phong trào của trường lớp, của Đoàn, của Đội, rèn luyện trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan của Bác Hồ.

Khi dạy bài: “Tức cảnh Pác Bó” được Bác Hồ sáng tác trong những ngày đầu trở về nước để lãnh đạo phong trào cách mạng (chương trình Ngữ văn lớp 8), cần làm cho học sinh thấy niềm vui lớn nhất của Bác Hồ là được cống hiến cho dân tộc, thực hiện hoài bão cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách nô lệ của ngoại bang mà Bác Hồ từng ôm ấp trong ba mươi năm bôn ba hải ngoại, tìm đường cứu nước. Để học sinh cảm nhận được phẩm chất cao quý đó của Bác Hồ, giáo viên cần tái hiện lại cuộc sống gian khổ và niềm vui của Bác Hồ khi bắt tay vào thực hiện hoài bão lớn lao của mình được thể hiện trong bài thơ. Trong bài thơ này cần phân tích từ “sang” trong câu thơ: “Cuộc đời cách mạng thật là sang” để làm toát lên tư tưởng, tình cảm của Bác Hồ trong cuộc sống đầy gian khó, từ đó giáo dục cho học sinh một lý tưởng sống cao đẹp: biết chấp nhận những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, dám vượt lên những khó khăn, thử thách để cống hiến tài năng, sức lực cho quê hương đất nước.

Khi dạy bài thơ “Ngắm trăng” (chương trình Ngữ văn lớp 8), trích trong tập Nhật ký trong tù, được Bác Hồ viết trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch, giáo viên cần cho học sinh tìm hiểu hoàn cảnh ngắm trăng và tâm trạng của Bác trước đêm trăng, nhằm làm cho học sinh thấy Bác Hồ là người có lòng yêu thiên nhiên, phong thái ung dung và khát vọng tự do để càng yêu kính và tự hào về Bác.

Khi dạy bài “Đi đường” (Nhật ký trong tù) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo viên cần làm cho học sinh thấy và học tập được nghị lực phi thường và tầm nhìn sáng suốt của Bác: Vượt qua gian lao chồng chất sẽ tới thắng lợi vẻ vang để tu dưỡng, rèn luyện bản thân và biết vượt lên khó khăn, thử thách, đạt được mục đích cao đẹp của mình.

Một buổi sinh hoạt ngoại khóa môn Văn tại Trường THPT Trần Phú (TP. Buôn Ma Thuột). (Ảnh: Thúy Hồng)
Một buổi sinh hoạt ngoại khóa môn Văn tại Trường THPT Trần Phú (TP. Buôn Ma Thuột). (Ảnh: Thúy Hồng)

Khi dạy bài “Thuế máu” trích trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, cần làm cho học sinh thấy được lòng yêu thương con người là một phẩm chất cao quý của Bác Hồ. Lòng yêu thương con người, nhất là những người nghèo khổ bị áp bức, bóc lột ở Bác Hồ là không phân biệt sắc tộc, màu da. Đó là biểu hiện thật sinh động về tinh thần quốc tế vô sản của Bác. Từ đó, giúp học sinh noi theo gương sáng của Bác Hồ, xây dựng cho mình một tình cảm quốc tế trong sáng, cao đẹp.

Khi dạy bài “Phong cách Hồ Chí Minh” của Lê Anh Trà (trích từ tác phẩm “Phong cách Hồ Chí Minh, cái vĩ đại gắn với cái giản dị, trong Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam”, cần làm cho học sinh thấy rõ Bác Hồ có kiến thức sâu rộng về nền văn hóa nước nhà cũng như nền văn hóa thế giới là do Bác Hồ không ngừng học tập ở mọi lúc, mọi nơi. Ở Bác Hồ có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, vĩ đại và bình dị để càng kính yêu Bác, tự nguyện học tập theo gương Bác. Từ đó, giúp học sinh xây dựng cho mình một động cơ, thái độ học tập đúng đắn, biết tận dụng thời gian để không ngừng học tập, nâng cao kiến thức về mọi mặt, xây dựng cho mình một lối sống giản dị, trong sáng.

Để nâng cao hiệu quả từng tiết dạy trên, giáo viên cần cho học sinh sưu tầm, tìm hiểu các câu chuyện, các bài văn, bài thơ có liên quan đến từng bài học này để chuẩn bị bài chu đáo, tích cực tham gia xây dựng bài một cách chủ động. Sau từng bài học, giáo viên cần cho học sinh sưu tầm thêm những câu chuyện kể về Bác Hồ và văn bản khác cùng chủ đề với văn bản được học để mở rộng, nâng cao kiến thức, cũng như ý thức hành động học tập tấm gương đạo đức của Bác. Đối với các trường học đã được trang bị phòng dạy giáo án điện tử thì nên dạy các bài học bằng phương tiện này, vì có thể khai thác các hình ảnh Bác Hồ trên mạng Internet đưa vào bài giảng làm cho tiết dạy sinh động hơn, có tác dụng làm tăng hiệu quả giáo dục cho học sinh.

Việc giúp học sinh học tập và làm theo tấm gương của Bác còn có thể được tiến hành thông qua phân môn Tiếng Việt và phân môn Tập làm văn. Tùy theo từng khối lớp, giáo viên có thể cho học sinh sưu tầm và kể lại một câu chuyện về Bác Hồ; phát biểu cảm nghĩ về một bài thơ của Bác Hồ hay một bài thơ của các tác giả khác viết về Bác Hồ; cho học sinh làm bài văn chứng minh về đức tính giản dị của Bác Hồ; viết một bài nghị luận về lòng lạc quan yêu đời, yêu thiên nhiên của Bác Hồ…

Bên cạnh đó, trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, có thể tổ chức các chủ đề như: Chúng em kể chuyện về Bác Hồ theo quy mô lớp, quy mô từng khối lớp hay toàn trường. Để cho buổi sinh hoạt diễn ra hấp dẫn, nên chia nhóm và giao đề tài cho từng nhóm sưu tầm các mẩu chuyện kể về Bác Hồ như: Các mẩu chuyện kể về lối sống giản dị của Bác Hồ; các mẩu chuyện về tình cảm của Bác Hồ dành cho Thiếu nhi Việt Nam và Thiếu nhi các nước trên thế giới; tình cảm của Bác Hồ đối với quê hương Nghệ An; tình cảm của Bác Hồ đối với đồng bào miền Nam; tình cảm của Bác Hồ đối với Tây Nguyên... Hoặc tổ chức đêm thơ – ca hát về chủ đề Bác Hồ; nói chuyện chuyên đề về Bác Hồ với các đề tài khác nhau phù hợp với từng khối lớp.

Ngoài ra, giáo viên còn có thể giáo dục học sinh học tập Bác Hồ thông qua hoạt động chủ điểm ngoài giờ lên lớp. Để thực hiện hoạt động này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các giáo viên dạy môn Ngữ văn trong toàn trường, giáo viên chủ nhiệm từng khối lớp, tổ chức Đoàn, Đội trong trường học cùng tham gia. Chẳng hạn, có thể tổ chức cho học sinh từng khối lớp tham gia các cuộc thi tìm hiểu về Tấm gương đạo đức của Bác Hồ được tổ chức từng tuần, từng tháng trên báo chí, chọn các bài xuất sắc để trao giải, hoặc có thể tổ chức sinh hoạt theo chủ điểm trong tháng theo chủ điểm của năm học…

 

Lê Anh Chới

 


Ý kiến bạn đọc