Multimedia Đọc Báo in

Giáo viên THCS phải thực hiện bồi dưỡng 120 tiết/năm

16:05, 16/02/2011

Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo Thông tư chương trình khung bồi dưỡng thường xuyên giáo viên THCS. Theo đó, trong một năm học mỗi giáo viên THCS phải thực hiện bồi dưỡng 120 tiết (60 tiết bắt buộc và 60 tiết tự chọn).

Khối kiến thức bắt buộc thứ nhất là khối kiến thức đáp ứng nhiệm vụ năm học theo cấp học. Khối kiến thức này nhằm tăng cường năng lực đáp ứng của giáo viên THCS đối với các yêu cầu đặt ra theo nhiệm vụ năm học. Khối kiến thức bắt buộc thứ hai là khối kiến thức đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu giáo dục địa phương theo từng năm học (bao gồm cả các nội dung bồi dưỡng theo các dự án). Khối kiến thức này nhằm tăng cường năng lực đáp ứng của giáo viên THCS đối với các yêu cầu phát triển giáo dục hàng năm của địa phương.

 

Ảnh minh họa

Khối kiến thức tự chọn nhằm giúp giáo viên THCS phát triển nghề nghiệp liên tục; nâng cao mức độ đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo nhu cầu của từng giáo viên. Khối kiến thức này bao gồm các mô đun bồi dưỡng chia theo các yêu cầu chuẩn nghề nghiệp cần bồi dưỡng làm cơ sở cho giáo viên THCS tự lựa chọn nội dung bồi dưỡng phù hợp để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng hàng năm của mình. Trong khối kiến thức tự chọn, giáo viên sẽ phải tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lý của học sinh THCS và THPT; phương pháp dạy học, giáo dục học sinh cá biệt; xây dựng môi trường học tập dân chủ, thân thiện, hợp tác, cộng tác, thuận lợi, an toàn và lành mạnh cho học sinh; đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh nữ, học sinh người dân tộc thiểu số trong học tập và đặc biệt, giáo viên được tập huấn cách khắc phục trạng thái tâm lý căng thẳng trong học tập cho học sinh. Ngoài ra, giáo viên sẽ được học cách nhận biết và tìm hiểu nguyên nhân hình thành trạng thái tâm lý căng thẳng của học sinh và phương pháp hỗ trợ tâm lý cho học sinh vượt qua các trạng thái căng thẳng; tập huấn cách giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, cách phối hợp với các tổ chức xã hội trong công tác giáo dục; cách tổ chức các hoạt động tập thể cho học sinh THCS và THPT.

Chương trình này được thực hiện trong phạm vi toàn quốc. Căn cứ chương trình khung, hàng năm các cơ quan quản lý giáo dục địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên THCS nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng các yêu cầu đặt ra theo nhiệm vụ năm học, các yêu cầu phát triển giáo dục của địa phương và nhu cầu phát triển nghề nghiệp liên tục của mỗi giáo viên. Kế hoạch bồi dưỡng hàng năm cho giáo viên THCS được xây dựng trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đối với khối kiến thức bắt buộc thứ nhất, Sở GD&ĐT đối với khối kiến thức bắt buộc thứ hai và đề xuất của giáo viên đối với khối kiến thức tự chọn trong chương trình khung. Giáo viên tự học, tự bồi dưỡng là chính trên cơ sở được đáp ứng tài liệu và có sự hỗ trợ, hướng dẫn (qua mạng hoặc tổ chức lớp tập trung); chú trọng các hình thức bồi dưỡng theo nhóm giáo viên cùng trường hoặc cụm trường.

Bộ GD&ĐT tổ chức thiết kế công cụ kiểm tra, đánh giá kết quả, quá trình bồi dưỡng và hướng dẫn các Sở GD&ĐT, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng của giáo viên THCS tại địa phương. Giáo viên THCS đạt kết quả bồi dưỡng hàng năm sẽ được cấp giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận được coi là căn cứ để xác định việc giáo viên trung học cơ sở hoàn thành chương trình, kế hoạch bồi dưỡng theo năm học đồng thời làm căn cứ để đánh giá, thực hiện việc nâng bậc, nâng ngạch đối với giáo viên THCS theo quy định hiện hành.

D.H (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.