Multimedia Đọc Báo in

Khuyến học nơi đất nghèo

11:04, 09/02/2011

Hình ảnh những ngôi trường khang trang, phòng học kiên cố; các em nhỏ được đến trường hằng ngày thay vì phải theo cha mẹ lên rẫy, lên nương… đã trở nên quen thuộc tại nhiều địa phương nghèo, điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn của tỉnh ta. Có được điều ấy là nhờ những cách làm hay của chính quyền  địa phương trong công tác khuyến học và tấm lòng của các nhà giáo gắn bó với giáo dục vùng sâu…

Trường THCS Trần Phú xã Ea Tân, Krông Năng. (Ảnh: Nguyễn Xuân)
Trường THCS Trần Phú xã Ea Tân, Krông Năng. (Ảnh: Nguyễn Xuân)

Xã hội hóa giáo dục ở Ea Tân
Mặc dù là xã vùng 3, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua, xã Ea Tân (Krông Năng) đã có nhiều cách làm thiết thực, cụ thể nhằm “tiếp sức” cho học sinh nghèo đến trường.
Không chỉ dựa vào nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, chính quyền và đoàn thể xã Ea Tân đã chú trọng đến việc huy động sức dân cho giáo dục. Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên đến từng cộng đồng dân cư và mỗi người dân. Từ đó, nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của mục tiêu xã hội hóa giáo dục, phấn khởi, nhiệt tình, tự nguyên đóng góp tiền của và ngày công lao động cho việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học, sách tham khảo… để con em có nơi học tập đầy đủ, khang trang hơn. Đáng kể là ở Trường THCS Trần Phú, bằng nguồn vốn đóng góp chủ yếu của nhân dân, trường đã mua được 25 máy vi tính, 2 bộ đèn chiếu, hơn 100 đầu sách tham khảo… phục vụ cho công tác dạy và học. Đặc biệt, năm học 2009-2010, nhà trường đã lắp đặt hệ thống camera quản lý dạy và học ở các lớp từ nguồn vốn đóng góp của người dân với trị giá trên 250 triệu đồng. Nhờ vậy, công tác quản lý lớp học, thi cử được thực hiện sát sao, hiệu quả và có chất lượng. Để tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập, phụ huynh còn tự nguyện đóng góp tiền của, công sức làm hàng rào, sân bê tông, đường đi, lắp đặt mỗi phòng học một vòi nước uống tự động bằng công nghệ lọc RO, hiến tặng nhiều cây xanh có giá trị. Nhằm tiếp sức cho học sinh nghèo đến lớp, nhà trường đã thành lập quỹ “Tấm lòng trường em”, huy động sự đóng góp của giáo viên, học sinh để có kinh phí tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình chính sách, khó khăn nhân các ngày lễ, tết, nhận đỡ đầu cho 11 học sinh và 1 gia đình có 3 con bị tàn tật trong xã thông qua các hình thức như: tặng sách vở, quần áo, đồ dùng học tập và học bổng… Nhờ vậy, cùng với sự đầu tư của Nhà nước xây dựng nhà hiệu bộ, phòng học, phòng thực hành… nên chỉ mới sau 4 năm thành lập, trường THCS Trần Phú là cơ sở giáo dục duy nhất trên địa bàn xã tổ chức dạy 2 buổi/ngày và đã cơ bản đủ các tiêu chuẩn để đề nghị công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào khuyến học ở địa phương, năm 2007, xã Ea Tân đã chủ động thành lập Hội Khuyến học với 20 chi hội tại 3 khối trường học, công đoàn và 16 thôn. Bằng nguồn huy động nhân dân đóng góp, Hội Khuyến học xã đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo tiếp tục đến trường, tặng thưởng động viên, khuyến khích học sinh giỏi, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng… Bên cạnh đó, người dân trên địa bàn còn thường xuyên quyên góp, tặng vở viết, sách giáo khoa, xe đạp, quần áo, gạo cho  học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng khó khăn… Đặc biệt, ông Nguyễn Đình Thi (thôn Yên Khánh), đã tự nguyện hiến hơn 3.000 m2 đất để xây dựng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Bé. Cùng với việc chú trọng công tác xã hội hóa giáo dục, xã Ea Tân còn phát động phong trào thi đua “gia đình hiếu học”, “dòng họ hiếu học”… giữa các thôn, các Chi hội Khuyến học. Các phong trào này ngày càng được người dân hưởng ứng rộng rãi và đã xuất hiện nhiều điển hình, nhiều tấm gương sáng, khơi dậy tinh thần hiếu học trong cộng đồng. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn xã đã có hơn 250 gia đình hiếu học, mỗi gia đình có từ 2 con đỗ đại học, cao đẳng, trong đó, gia đình ông Nguyễn Văn Chinh ở thôn Ea Đinh có con học đại học được nhận học bổng nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Các dòng họ, hội đồng hương hiếu học như dòng họ Chu ở thôn Bắc Trung, dòng họ Lê ở thôn Yên Khánh…, Hội đồng hương Ninh Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… đều có Quỹ khuyến học hàng chục triệu đồng để tặng thưởng cho học sinh giỏi.  

Phòng học lớp mẫu giáo buôn Vân Kiều, xã Cư Elang (Ea Kar) được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ huyện. (Ảnh: H.T)
Phòng học lớp mẫu giáo buôn Vân Kiều, xã Cư Elang (Ea Kar) được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ huyện. (Ảnh: H.T)

Cư Elang huy động mọi nguồn lực cho giáo dục
Được tách ra từ xã Ea Sô cách đây 5 năm, Cư Elang là một trong những xã vùng ba khó khăn nhất của huyện Ea Kar, với 10 thôn, buôn, gồm 1.482 hộ và 6.592 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Đời sống của người dân trong xã còn rất khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 55%. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây chủ yếu là “dân góp”, di cư từ các xã khác trong huyện Ea Kar, Krông Pak, xã Hòa Thắng (TP.Buôn Ma Thuột) và từ miền núi phía Bắc vào nên mặt bằng dân trí còn thấp, tỷ lệ người mù chữ và không biết tiếng phổ thông khá cao.

Chính quyền xã Cư Elang đã xác định phát triển giáo dục là một trong những giải pháp để giúp cho xã sớm thoát khỏi tình trạng “nghèo nàn, lạc hậu”, ngặt nỗi nguồn thu của xã rất hạn chế, vận động đóng góp trong dân rất khó vì đời sống của người dân quá khó khăn. Trước tình hình đó, xã Cư Elang đã thực hiện giải pháp tận dụng mọi nguồn hỗ trợ từ Nhà nước và huy động các nguồn lực khác, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức học tập của người dân, vận động học sinh ra lớp, đưa các trưởng thôn, buôn trở thành thành viên tích cực trong Hội đồng giáo dục ở địa phương. Nhờ vậy, từ chỗ cơ sở giáo dục gần như không có gì, học sinh trên địa bàn bỏ học nhiều vì phải đi học quá xa (vượt sông sang xã Ea Sô), đến nay Cư Elang đã có 4 trường học (gồm 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS, chủ yếu được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135), riêng lớp học mầm non có tại tất cả các thôn, buôn, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn. Đặc biệt, xã đã chủ động liên hệ với Hội Chữ thập đỏ để vận động nguồn hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm xây dựng nhà mẫu giáo ở các thôn, buôn; cấp học bổng cho học sinh nghèo… Ông Đỗ Văn Hưu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Từ năm 2007 đến nay, từ nguồn vốn do Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ, xã đã xây dựng được 3 nhà mẫu giáo khang trang ở buôn Vân Kiều, thôn 6B và 6C, trị giá mỗi nhà trung bình khoảng 70 triệu đồng. Xã cũng đã chủ động đầu tư xây dựng sân, tường rào, bàn ghế cho các lớp học này. Đồng thời vận động các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn là Công ty Lâm nghiệp Ea Kar và Công ty Cao su Phúc Nguyên hỗ trợ trang thiết bị dạy và học, bục giảng…”.

Trường THCS Phạm Hồng Thái, xã Cư Elang, Ea Kar. (Ảnh: Hồng Thủy)
Trường THCS Phạm Hồng Thái, xã Cư Elang, Ea Kar. (Ảnh: Hồng Thủy)

Không chỉ xây dựng cơ sở vật chất, chính quyền xã còn vận động hỗ trợ học sinh nghèo có điều kiện đến trường. Từ năm 2006, chương trình “Bò khuyến học” của Hội Chữ thập đỏ huyện được triển khai tại xã Cư Elang với 12 học sinh nghèo học giỏi được cấp bò để nuôi, khi bò đẻ thì bê con lại được chuyển đến cho học sinh khác. Đến nay, đã có 19 học sinh nghèo trên địa bàn xã được nhận bò. Bên cạnh đó, chính quyền xã Cư Elang còn vận động các nguồn hỗ trợ khác trao học bổng, tặng quà cho học sinh nghèo, chỉ tính riêng năm học 2009-2010, trị giá học bổng, quà tặng được trao cho học sinh là 45 triệu đồng. Ngoài ra, xã còn vận động nhân dân đóng góp xây dựng quỹ khuyến học được hơn 10 triệu đồng để khen thưởng học sinh giỏi hằng năm; làm tốt việc cấp phát tiền hỗ trợ, sách giáo  khoa, vở viết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số theo Quyết định 112 và 168 của Chính phủ….

Nhờ những cách làm trên, công tác giáo dục ở Cư Elang đã có nhiều khởi sắc. Toàn xã hiện có hơn 1.800 học sinh các cấp với 87 cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường; tỷ lệ học sinh ra lớp đạt 98%, số học sinh bỏ học giảm hẳn so với trước đây, đặc biệt vừa qua khi trường THCS Phạm Hồng Thái được xây dựng, có hơn 30 học sinh bỏ học đã xin đi học lại. Cả xã có 20 em đang theo học các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh. Xã Cư Elang cũng đã được đề nghị công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học.

Tấm lòng nhà giáo nơi vùng sâu
Ở xã Dak Phơi (Lak), việc phụ huynh “khoán trắng” chuyện học tập của con em cho nhà trường là trở ngại lớn nhất đối với giáo viên (GV) trong việc đem kiến thức đến với học sinh (HS). Phụ huynh sẵn sàng cho con nghỉ học ở nhà làm rẫy mỗi khi ngày mùa đến. Đôi khi lý do nghỉ học cũng hết sức đơn giản: không có dép, hết vở, mất sách giáo khoa, bút hết mực... dẫn đến tỷ lệ bỏ học giữa chừng có năm vượt hơn 10%. Làm thế nào để HS dân tộc thiểu số thích đi học, gắn bó với trường lớp?, đó là điều trăn trở của Ban giám hiệu Trường THCS Lê Lợi. Vấn đề này cũng thường xuyên được tập thể cán bộ, GV nhà truờng bàn bạc, thảo luận vào những buổi sinh hoạt chuyên môn, thậm chí trong cả bữa ăn tập thể. 

Học trò xã vùng sâu Krông Nô (Lak) được học tập trong những ngôi trường khang trang. (Ảnh: Nguyên Hoa)
Học trò xã vùng sâu Krông Nô (Lak) được học tập trong những ngôi trường khang trang. (Ảnh: Nguyên Hoa)

Mục tiêu giáo dục của Trường THCS Lê Lợi những năm 2005 - 2006 là phải huy động được HS tới trường, duy trì sĩ số. Ở một xã hơn 70% dân số là người dân tộc M’Nông, phụ huynh thiếu quan tâm việc học của con em, đạt được mục tiêu trên là điều không mấy dễ dàng. “Chúng tôi chia nhau thành từng nhóm, đến nhà HS bỏ học động viên các em. Ban ngày không gặp, chúng tôi tranh thủ đến nhà buổi tối. Không ít lần GV chủ nhiệm đã bị phụ huynh đóng cửa  không tiếp vì nhiều lần đến nhà động viên con họ đi học. Một mình nhà trường không vận động được, chúng tôi tranh thủ sự giúp đỡ của cán bộ thôn, buôn, già làng - những người rành rọt ngôn ngữ, văn hóa và có uy tín đến tận rẫy cách xa buôn hơn 10km tuyên truyền, giải thích để bố mẹ cho các em đến trường”, cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên môn Tin học chia sẻ.

Ban giám hiệu nhà trường đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, thân thiện để mỗi ngày đến trường là một niềm vui đối với học sinh. Cô Nguyễn Thị Hường, giáo viên môn Văn nhớ lại: “Những ngày đầu mới thành lập, trường chỉ có một dãy phòng học, xung quanh cây cối mọc um tùm, bàn ghế cho học sinh cũng rất tạm bợ. Kỳ cạch mãi, tôi và các em học sinh mới chở được mấy bộ bàn ghế xộc xệch được phân từ trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm về. Nhiều học sinh than thở: Bàn ghế thế này, thì học thế nào được? Lo lắng, nhưng tôi vẫn cố gắng trấn an các em và động viên chính mình, phải khắc phục khó khăn. Đó là chuyện của 6 năm về trước, còn giờ đây giữa trung tâm xã Dak Phơi, trường THCS Lê Lợi là một ngôi trường khang trang, với đầy đủ trang thiết bị gồm: phòng thực hành, phòng thí nghiệm, thư viện và phòng vi tính gồm 21 máy được nối mạng nội bộ, giúp GV, HS có thêm kênh thông tin để tiếp nhận và lĩnh hội kiến thức. Không những thế, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian, vệ sinh buôn làng, trồng cây xanh trong khuôn viên trường, chăm sóc Đài tưởng niệm xã Dak Phơi, tạo sự gắn bó giữa các thầy cô giáo và học sinh, đồng thời bồi đắp thêm tình yêu trường, mến bạn cho các em. Thầy Phan Ngọc Dũng, giáo viên Hóa chia sẻ: “Không đơn thuần chỉ là người truyền tải kiến thức, các thầy cô giáo còn cố gắng là người cha, mẹ, anh, chị sẵn sàng chia sẻ những khó khăn trong học tập và đời sống cho học sinh”.

Công sức, tình cảm của các thầy cô giáo Trường THCS Lê Lợi dành cho học sinh đã được đền đáp, khi học sinh bỏ học đã giảm xuống còn 3,1% (tỷ lệ này trong năm học 2005 - 2006 là hơn 10%) và chất lượng giáo dục trên cả 2 mặt học lực và hạnh kiểm cũng tăng đáng kể. Điều này được minh chứng, với gần 300 học sinh, trung bình mỗi năm Truờng THCS Lê Lợi có khoảng 20% đạt học lực khá giỏi, trong đó, có từ 6-13 học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện, đặc biệt có 1 học sinh giỏi cấp tỉnh. Nhiều học sinh khi đến thăm thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam bộc bạch: “3 ngày liên tục không đến trường thấy nhớ các bạn, nhớ thầy cô lắm”. Lời nói chân thật, giản dị của HS như những giọt mật ngọt lan tỏa trong tâm hồn các thầy cô giáo mỗi đêm về bên trang giáo án.

Nguyễn Xuân – Hải Như - Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc