Multimedia Đọc Báo in

Mỗi môn học phải có ít nhất một giáo trình dạy học

17:05, 09/02/2011

Bộ GD&ĐT vừa chính thức ban hành Quy định về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học. Theo quy định này, mỗi môn học phải có ít nhất một giáo trình dạy học.

Giáo trình cần cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng và thái độ quy định trong chương trình đào tạo đối với mỗi môn học, ngành học, trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục đại học và kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo. Nội dung giáo trình phải phù hợp với mục tiêu, chương trình đào tạo, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và chuẩn đầu ra đã ban hành. Kiến thức trong giáo trình được trình bày khoa học, logic, đảm bảo cân đối giữa lý luận và thực hành, phù hợp với thực tiễn và cập nhật những tri thức mới nhất của khoa học và công nghệ.

 

Ảnh minh họa

Những nội dung được trích dẫn trong tài liệu tham khảo để biên soạn giáo trình phải có nguồn gốc và chú thích rõ ràng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quyền tác giả theo quy định hiện hành. Cuối mỗi chương giáo trình phải có danh mục tài liệu tham khảo, câu hỏi hướng dẫn ôn tập, định hướng thảo luận và bài tập thực hành. Hình thức và cấu trúc của giáo trình đảm bảo tính đồng bộ và tuân thủ các quy định cụ thể của cơ sở giáo dục đại học.

Ngoài giáo trình một số môn học của cơ sở giáo dục đại học thực hiện chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và một số chương trình đào tạo khác giảng dạy bằng tiếng nước ngoài được biên soạn bằng tiếng nước ngoài, còn lại ngôn ngữ dùng để biên soạn giáo trình phải là tiếng Việt.

Chủ biên hoặc đồng chủ biên giáo trình các môn học của chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ phải có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc trình độ tiến sĩ thuộc chuyên ngành của giáo trình đó. Đối với giáo trình trình độ cao đẳng, trong trường hợp không có tiến sĩ cùng chuyên ngành thì chủ biên hoặc đồng chủ biên tối thiểu phải có trình độ thạc sĩ. Các thành viên tham gia Ban biên soạn giáo trình phải có chuyên môn phù hợp với nội dung giáo trình và đang trực tiếp giảng dạy trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ hoặc các nhà khoa học có uy tín đang tham gia thỉnh giảng tại trường và do hiệu trưởng quyết định. Hiệu trưởng nhà trường là người quyết định số lượng thành viên tham gia Ban biên soạn giáo trình hoặc cá nhân nhà khoa học biên soạn giáo trình; quy định thành phần, tổ chức và hoạt động của Ban biên soạn giáo trình bằng văn bản; quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giáo trình; số lượng thành viên Hội đồng thẩm định giáo trình… Các cơ sở giáo dục đại học không đủ điều kiện tổ chức biên soạn giáo trình thì hiệu trưởng tổ chức lựa chọn, duyệt giáo trình phù hợp với chương trình trình đào tạo để làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức.

Quy định này không áp dụng đối với việc tổ chức biên soạn và duyệt giáo trình sử dụng chung cho các đại học, học viện, trường cao đẳng.

K.D (nguồn GD&TĐ)


Ý kiến bạn đọc