Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui từ những công trình kiên cố hóa trường học ở huyện Krông Ana

09:03, 18/02/2011

Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên đã góp phần thay sắc “áo mới” trường, lớp, đáp ứng yêu cầu phòng học, phòng ở cho học sinh và giáo viên trên địa bàn huyện Krông Ana.

Nằm dưới chân đồi Cư Har thuộc buôn Krang một buôn đặc biệt khó khăn của xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, điểm trường chính Trường Tiểu học Y Ngông có khuôn viên rộng 3.500 m2, với 7 phòng học mới được đầu tư xây dựng từ “Chương trình kiên cố hóa trường học của Chính phủ và Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”. Tuy vậy nhưng ngôi trường là niềm mơ ước từ nhiều năm nay của những cô cậu học trò ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Một học kỳ đã trôi qua, các em được học dưới mái trường kiên cố còn nguyên mùi vôi mới; bàn, ghế, trang thiết bị phục vụ cho việc học tập của các em cũng được quan tâm đầu tư thích đáng. Sân trường nơi vui chơi trong giờ giải lao đã được láng xi măng sạch sẽ, những hàng cây xanh cũng kịp trồng chờ ngày vươn cao tỏa bóng mát. Tất cả điều này, dù rất bình dị, nhưng đang góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đối với ngôi trường có đến 100% học sinh dân tộc Êđê. Em H’kheri Knul, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Y Ngông cho biết: “Có trường mới em và các bạn trong buôn vui lắm vì không phải đi học xa, nghỉ học nhiều như trước đây”. Hòa chung với niềm vui của các em học sinh, cô Nguyễn Thị Minh Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Y Ngông tâm sự: “Nếu như những năm học trước, khi còn phải mượn phòng học tạm, tỷ lệ học sinh bỏ học hằng năm cao, thì đến năm học này nhà trường đã duy trì sĩ số đạt 100%. Kết thúc học kỳ I, toàn trường có 113 học sinh, trong đó 87% học sinh xếp loại trên trung bình; trong đó học sinh khá, giỏi chiếm tỷ lệ 18,6%”.

Giờ ra chơi của học sinh Trường THCS Lê Đình Chinh (xã Quảng Điền).
Giờ ra chơi của học sinh Trường THCS Lê Đình Chinh (xã Quảng Điền).
Đối với Trường THCS Lê Đình Chinh thuộc thôn 2, xã Quảng Điền, những lớp học kiên cố không còn xa lạ với các em học sinh. Trường hiện có 11 phòng học cao tầng dù chưa đủ điều kiện để tổ chức dạy 2 buổi/ngày, nhưng cũng đảm bảo cho trên 700 học sinh theo học. Tuy nhiên, công trình nhà ở cho giáo viên, gồm 2 phòng vừa được đưa vào sử dụng trong năm học này lại là  niềm vui, động lực lớn đối với một bộ phận giáo viên trẻ ở xa nhà. Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, giáo viên môn Tiếng Anh, đã có 3 năm gắn bó với Trường THCS Lê Đình Chinh, thì đây là năm học cô cảm thấy yên tâm và vui nhất. Vì cô không phải vội vã chạy xe hơn 10km trước mỗi giờ lên lớp, hay tất bật sau giờ tan trường. Nên cô có nhiều thời gian để đầu tư vào giáo án, giúp các em tiếp cận kiến thức nhanh hơn.

Không chỉ có Trường Tiểu học Y Ngông hay Trường THCS Lê Đình Chinh, mà học kỳ I năm học 2010-2011, toàn huyện Krông Ana có 9 trường học được đầu tư xây dựng từ chương trình kiến cố hóa trường lớp học của Chính phủ với 53 phòng học và 2 công trình nhà ở cho giáo viên. Ông Nguyễn Hữu Đắc, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Ana cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia về Kiên cố hóa trường học và nhà công vụ cho giáo viên  giai đoạn 2008 – 2012 sẽ đầu tư cho huyện trên 32 tỷ đồng để xây dựng 147 phòng học và hàng chục nhà công vụ cho giáo viên. Rồi đây những lớp học kiên cố dần thay thế các phòng học tạm bợ, tạo điều kiện vững chắc cho bước đi tiếp theo của ngành giáo dục huyện Krông Ana trong sự nghiệp trồng người.

 

Tuấn Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.