Multimedia Đọc Báo in

Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp: Sân chơi bổ ích cho học sinh

09:33, 21/03/2011

Chương trình văn nghệ đặc sắc, các trò chơi dân gian vui nhộn cùng những hoạt động xã hội phong phú… đã lôi cuốn các em bậc tiểu học (TH) sau những giờ học căng thẳng.

Đã thành nền nếp, đều đặn mỗi tháng một lần các trường TH trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (GDNGLL) theo từng chủ điểm đã được xây dựng từ đầu năm học: Truyền thống nhà trường; Kính yêu thầy cô giáo; Yêu đất nước Việt Nam; Gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc; Yêu quý mẹ và cô giáo; Bác Hồ kính yêu… Hình thức tổ chức hoạt động ở mỗi trường rất phong phú phù hợp với lứa tuổi, trình độ nhận thức, giới tính và sức khỏe của HS. Tại Trường TH Lê Văn Tám GDNGLL được chia thành 2 nhóm tuổi: khối lớp 1, 2 tham gia hoạt động văn nghệ; khối lớp 3,4,5 tham gia các môn thể thao, lao động. Ngoài tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ, gần đây, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động tự chọn như: giải toán vui, giải toán nhanh, trồng cây xanh, chăm sóc cây cảnh, gìn giữ di tích lịch sử văn hóa, phong trào kế hoạch nhỏ, thi vẽ tranh theo đề tài… giúp HS có điều kiện thể hiện bản thân, từng bước hình thành kỹ năng giao tiếp, ý thức chấp hành nghiêm túc nội quy của trường, lớp”.

Học sinh, giáo viên hào hứng tham gia các trò chơi dân gian.
Học sinh, giáo viên hào hứng tham gia các trò chơi dân gian.
Cùng với dạy học trên lớp, hoạt động GDNGLL đã được các trường TH trên địa bàn TP triển khai có hiệu quả, nhất là từ khi thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Hoạt động GDNGLL được tổ chức theo một quy trình bảo đảm tính khoa học, tạo sân chơi bổ ích cho HS. Cô Phạm Thị Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Công Trứ chia sẻ: “Tuy chỉ là một buổi sinh hoạt ngoại khóa, nhưng nếu không có sự chuẩn bị chu đáo từ việc lập kế hoạch, lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp, hấp dẫn sẽ không đạt được yêu cầu giáo dục đặt ra. Trong các hoạt động, giáo viên giữ vai trò chủ đạo, quan tâm động viên, hỗ trợ HS hứng thú tham gia”.

Ông Trương Tăng, chuyên viên Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột khẳng định, GDNGLL là cầu nối giữa giảng dạy, học tập ở trên lớp với giáo dục học sinh ở ngoài lớp. Qua hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao, lao động, HS được vui chơi thoải mái sau những giờ học trên lớp căng thẳng, nhưng đồng thời  giúp HS tích lũy được nhiều kiến thức từ cuộc sống. Với ý nghĩa trên, không dừng lại ở phạm vi từng trường, năm học 2010-2011, Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột tổ chức hoạt động GDNGLL theo cụm thi đua chuyên môn với sự tham gia của nhiều trường TH.

Phần dự thi hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với chủ điểm "Giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc" của học sinh Trường TH Lê Văn Tám (TP. Buôn Ma Thuột)
Phần dự thi hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với chủ điểm "Giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc" của học sinh Trường TH Lê Văn Tám (TP. Buôn Ma Thuột)
Sân trường Trường TH Võ Thị Sáu như vỡ òa bởi tiếng reo hò của hàng nghìn HS đến từ các trường TH Ngô Quyền, Phan Đăng Lưu, Lê Văn Tám, Nguyễn Thị Định và Tô Hiệu (Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột) khi các đội tham gia hoạt động GDNGLL với chủ điểm “Giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống”. Tiếng cổ vũ của các cổ động viên nhí đã tiếp sức cho vận động viên giành chiến thắng ở các phần thi trò chơi dân gian, Tiếng hát Chim sơn ca và Họa sĩ tí hon. Em Y Lit Mlô, lớp 5B Trường TH Nguyễn Thị Định, người vừa ném quả còn lọt qua vòng hào hứng nói: “Đây là lần đầu tiên em được chơi trò ném còn. Ở lần thi thử, em không ném trúng đích, nhưng ở lần ném thật, quả còn xinh xắn sau khi tung lên cao đã bay qua vòng còn”. Còn em Nguyễn Thị Hải Vi, lớp 5C, Trường TH Ngô Quyền, tác giả bức tranh “Buôn em chuẩn bị đón Xuân” bày tỏ: “Ngày Tết, ai cũng sửa soạn nhà cửa, buôn làng. Các bạn nhỏ cũng góp một phần công sức như lượm rác, tỉa hoa để buôn làng sạch đẹp hơn. Qua bức tranh này, em muốn gởi gắm đến tất cả các bạn trong trường phải biết yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống xung quanh mình".

GDNGLL là hoạt động rất cần thiết, giúp HS bộc lộ hứng thú, năng lực bản thân, lòng tự tin và sự ham học hỏi. Do đó, mỗi trường cần xây dựng nội dung, kế hoạch, phương pháp tổ chức đa dạng, phong phú các hoạt động GDNGLL, thu hút đông đảo học sinh tham gia, để mỗi ngày đến trường là một niềm vui.

 

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.