Sáng tạo đồ dùng, đồ chơi ngành học Mầm non
Với trí tưởng tượng phong phú và đôi bàn tay khéo léo các cô giáo mầm non đã biến những nguyên vật liệu có sẵn trong thiên nhiên, phế liệu trong đời sống sinh hoạt thành đồ dùng, đồ chơi (ĐDĐC) đa dạng về chủng loại, hấp dẫn về màu sắc cho trẻ. Nhờ những hình ảnh trực quan, sinh động này đã kích thích trí tò mò, sự ham tìm hiểu của các cháu.
Từ những phế liệu trong đời sống
Thế giới xung quanh trong mắt trẻ thơ của cô Hoàng Phương Ân, Trường Mầm non Hoa Cúc (TP. Buôn Ma Thuột) là mô hình không gian buôn làng với những mái nhà sàn; chú voi rừng và những chàng trai, cô gái dân tộc thiểu số... Đó còn là mô hình thế giới động vật được phân chia theo đặc điểm sống; bộ đồ dùng trong gia đình; bộ dụng cụ lao động của một số ngành nghề. Nét độc đáo toàn bộ các sản phẩm ĐDĐC ấn tượng, thiết thực này đều được làm từ nguyên vật liệu có sẵn trong thiên nhiên như rễ cây, rơm, tre nứa…, và phế liệu trong đời sống sinh hoạt như hộp, lọ, băng đĩa, tấm cacton, lịch cũ.
Chỉ với bộ rễ của cây cà phê, cọng chiếu, rơm, rạ, thanh nứa, hạt đậu… các cô giáo mầm non của huyện Krông Năng đã xây dựng mô hình thế giới xung quanh của các bé thật dễ thương theo từng chủ điểm: du lịch của buôn làng Tây Nguyên, nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa, thế giới động vật, mái ấm gia đình và đồ chơi của bé. “Không giống như những lứa tuổi khác, trẻ mầm non tìm hiểu mọi thứ xung quanh theo một cách rất riêng và đồ chơi là con đường ngắn nhất giúp trẻ tìm hiểu, khám phá. Trong quá trình làm ĐCĐD, giáo viên luôn quan sát đặc điểm tâm lý, văn hóa đặc trưng của từng vùng miền để sáng tạo ra những sản phẩm đẹp, ấn tượng, gần gũi với cuộc sống. Chính sự gần gũi, thân thiện đã thu hút sự chú ý cho các cháu. “Có thể trẻ em thành thị không biết về hạt đậu phụng, nhưng trẻ em khu vực nông thôn thì không xa lạ. Do đó, khi làm chú ong, chúng tôi chọn hạt đậu phụng làm thân, đoạn chỉ màu đen làm mắt, mẫu bitis làm cánh và râu. Hay khi làm mô hình con công đang khoe bộ lông sặc sỡ, chúng tôi tận dụng chiếc quạt lá đã cũ, kèm theo ít giấy màu để trang trí”, cô Hồ Hoàng Trinh (Phòng GD-ĐT huyện Krông Năng) chia sẻ.
Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT Dak Lak trao Giấy khen cho các đơn vị, cá nhân có ĐDĐC xuất sắc. |
So với những bậc học khác, giáo viên mầm non cùng lúc phải thực hiện nhiệm vụ bảo mẫu, cấp dưỡng, lao công. Vì vậy, các cô giáo chủ yếu làm ĐDĐC vào lúc nghỉ trưa, khi các cháu đã ngủ. Nếu ở trường thực hiện không xong, các cô đem về nhà tranh thủ làm vào ban đêm, ngày nghỉ, thậm chí nhờ chồng, con làm giúp”, cô Tạ Thị Bích Ngọc, Trường Mầm non Ngọc Lan (huyện Krông Pak) tâm sự. Với giáo viên trẻ tuổi làm ĐCĐD tự tạo không quá khó, bởi cơ hội giao lưu, nghiên cứu làm ra những sản phẩm mới lạ, riêng với những cô giáo đã ngoài 50 tuổi, việc làm ĐCĐD có phần vất vả. Song với lòng yêu nghề, mến trẻ các cô hằng ngày vẫn cặm cụi sưu tầm nguyên vật liệu, học tập kinh nghiệm những ĐCĐD hữu ích để làm ra sản phẩm ngộ nghĩnh, xinh xắn, nhiều sắc màu đáp ứng nhu cầu vui chơi - học tập cho trẻ. Cô Nguyễn Thị Nguyệt, Trường Mầm non Thủy Tiên (Nông trường 719, xã Ea Kly, huyện Ea Kar) cho biết: Với số lượng ĐDĐC được Nhà nước trang bị, không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của chương trình dạy học ở trường mầm non. Nhà trường đã khuyến khích giáo viên, học sinh phát huy tinh thần sáng tạo, tự làm ĐDĐC bằng những nguyên vật liệu tận dụng. Những món ĐDĐC do cô tự tạo luôn gần gũi với tâm lý, sở thích của trẻ. Đặc biệt, khi cô và trò cùng chơi món đồ chơi tự tay mình làm ra sẽ cảm thấy yêu quí và hứng thú hơn rất nhiều so với các đồ chơi mua sẵn.
Mỗi sản phẩm ĐDĐC là tình cảm, trách nhiệm và cả tâm huyết của các cô giáo mầm non. Do đó, dẫu mất nhiều thời gian, công sức, các cô giáo mầm non vẫn ngày đêm cặm cụi, tỉ mỉ cắt, dán, trang trí tạo hình những ĐDĐC ngộ nghĩnh, xinh xắn, ấn tượng; đồng thời có tính sư phạm cao và bảo đảm độ an toàn cho trẻ.
Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định, lòng yêu nghề, yêu trẻ của giáo viên mầm non đã được thể hiện rõ qua từng sản phẩm ĐDĐC tự tạo. Đó không đơn thuần chỉ là phương tiện phục vụ giảng dạy mà là phương tiện hữu hiệu nhất giúp trẻ tiếp thu bài học một cách sinh động, nhiệt tình hơn. Trong điều kiện kinh phí của Nhà nước đầu tư cho bậc học này còn nhiều hạn chế, sự sáng tạo, chăm chỉ của các cô giáo đã sẻ chia gánh nặng dạy chay - học chay, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động giáo dục, vui chơi trong các trường mầm non. Quan trọng hơn, việc tận dụng phế liệu trong đời sống sinh hoạt để làm ĐDĐC còn giáo dục cho các cháu tính tiết kiệm, biết yêu quí sức lao động ngay khi còn bé.
Ý kiến bạn đọc