Multimedia Đọc Báo in

Tiết hướng nghiệp cần chuyên sâu

17:20, 01/04/2011

Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay, học sinh THPT học môn Hoạt động hướng nghiệp (HĐHN) với thời lượng phân bố 1 tiết/ tháng theo chủ đề cụ thể cho từng tháng ở các khối lớp. Việc đề cao công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường là nhằm bồi dưỡng, hướng dẫn học sinh định hướng, chọn nghề từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng chương trình, soạn tài liệu cho từng khối lớp, triển khai đồng loạt ở các cơ sở giáo dục theo tinh thần giáo dục hướng nghiệp chung cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tiết HĐHN ở các trường THPT chưa mang lại hiệu quả cao. Cơ bản, người dạy không có chuyên môn, không được tập huấn về kĩ năng, kiến thức mà thường là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn dạy thiếu tiết, được nhà trường phân công “bao” thêm tiết này. Xuất phát từ thực tế như vậy nên các giờ học lần lượt trôi qua, hết năm học này đến năm học khác, dẫn đến tình trạng học sinh ngán ngẩm và xem tiết hướng nghiệp như một tiết để ngồi chơi, giải lao.

Ở khối lớp 10 và 11, công tác hướng nghiệp gồm các nhiệm vụ như: tổ chức cho học sinh làm quen, hiểu biết một số ngành nghề; giới thiệu, tìm hiểu năng khiếu, khuynh hướng nghề nghiệp của từng học sinh để khuyến khích, hướng dẫn, bồi dưỡng khả năng nghề nghiệp thích hợp; động viên hướng dẫn học sinh đi vào những nghề, những nơi đang cần lao động, phù hợp với khả năng, nhu cầu xã hội...

Sinh viên học nghề chạm khắc ở Trường Cao đẳng Nghề TNDT Tây Nguyên. (Ảnh: Gia Thịnh)
Sinh viên học nghề chạm khắc ở Trường Cao đẳng Nghề TNDT Tây Nguyên. (Ảnh: Gia Thịnh)
Ở khối lớp 12, vì là năm cuối cấp, nên tiết HĐHN dành nhiều thời lượng cho việc tìm hiểu hệ thống các trường THCN, CĐ, ĐH trên cả nước. Việc tư vấn tuyển sinh, chọn nghề được đề cao. Hơn ai hết, giáo viên dạy tiết hướng nghiệp lớp 12 là người hướng dẫn cho các em có một lượng kiến thức chuyên sâu về tuyển sinh nhất định. Đó là sự định hướng chọn ngành, chọn trường phù hợp với sức học, điều kiện gia đình; hệ thống giới thiệu về các trường đại học công lập, dân lập trên cả nước; tỉ lệ thí sinh dự thi, điểm sàn, điểm chuẩn của các các ngành, các trường ở các năm trước; các ngành và từng khối thi phù hợp với khả năng của từng học sinh; hướng dẫn và giải thích một số câu hỏi thắc mắc khi các em cần; các bước, trình tự thủ tục làm nộp hồ sơ, lấy giấy báo điểm, phiếu báo đăng kí nguyện vọng 2…

Bên cạnh đó, giáo viên hướng nghiệp cũng cần hướng dẫn cho các em về một số kinh nghiệm trước, khi đi thi, làm bài thi và kể cả việc tư vấn tâm lí sức khỏe cho học sinh trong giai đoạn quan trọng này.

Trên thực tế, một số giáo viên dạy hướng nghiệp chưa có kiến thức trong việc tư vấn tuyển sinh. Để công tác này đạt hiệu quả, trước hết giáo viên được phân công phải có một quá trình tự tìm hiểu nghiên cứu nhiều năm liền với tinh thần đam mê, trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức cho giáo viên để công tác HĐHN có hiệu quả, tạo lòng tin cho học sinh. Ban giám hiệu nhà trường cũng cần có kế hoạch lâu dài, chọn phân công những giáo viên có kinh nghiệm hướng nghiệp khối 12.

 

Đào Tấn Trực

 


Ý kiến bạn đọc