Multimedia Đọc Báo in

Tính thời sự và giá trị thực tiễn trong tư tưởng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về Giáo dục

10:04, 04/04/2011

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta luôn có sự quan tâm đặc biệt sâu sắc và tầm nhìn xa đối với sự nghiệp Giáo dục của nước nhà. Những bài nói chuyện, những bài viết, những việc làm của cố Thủ tướng về Giáo dục luôn nóng hổi tính thời sự và mang giá trị thực tiễn.

Còn nhớ, ngày 20-3-1955, tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa I, trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nêu lên vấn đề cần phải thống nhất và củng cố ngành học phổ thông, chú trọng phát triển các lớp trên của trung học (THPT); đặc biệt chú trọng phát triển ngành chuyên nghiệp và đại học và mở rộng cơ sở rèn luyện cán bộ cần thiết cho công cuộc khôi phục và kiến thiết. Ngày 12-4-1961 tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa II, cố Thủ tướng lại nhấn mạnh: Nhiệm vụ cơ bản và bức thiết nhất là ra sức bồi dưỡng, đào tạo trong một thời gian không lâu một đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân lành nghề, số lượng đủ, chất lượng tốt, có giác ngộ xã hội chủ nghĩa và có hiểu biết về kỹ thuật, về nghiệp vụ. Trong việc này cần chú trọng cán bộ cho công nghiệp và hợp tác xã. Đồng thời phải ra sức làm tốt hơn, nhanh hơn việc nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ, cho nhân dân lao động, phổ biến rộng rãi những hiểu biết cần thiết về kỹ thuật sản xuất và xây dựng. Không chỉ bằng lời nói, cố Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 114/TTg (tháng 3-1957) với nội dung: Các cấp chính quyền phải lãnh đạo thực hiện kế hoạch thanh toán nạn mù chữ và bổ túc văn hóa ở địa phương... Phải giữ vững đội ngũ cán bộ, giáo viên Bình dân học vụ, không nên thay đổi công tác, cần miễn giảm dân công cho họ, bồi dưỡng họ về năng lực, tinh thần và vật chất. Bảy tháng sau, cố Thủ tướng đã mở cuộc vận động tổng tiến công giặc dốt, lấy tên là Chiến dịch Điện Biên Phủ diệt dốt. Nhờ quyết tâm của nhân dân cả nước mà trong 3 năm 1956-1958 ở miền Bắc đã có đến 2,16 triệu người thoát nạn mù chữ. Sau khi hoàn thành công cuộc xóa mù chữ, các tỉnh ở miền Bắc đã đẩy mạnh hoạt động bổ túc văn hóa và đạt nhiều thành quả đáng khích lệ. Ngay trong những năm tháng đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, vào những thời điểm quyết liệt nhất  cố Thủ tướng vẫn luôn quan tâm đến sự nghiệp Giáo dục. Cố Thủ tướng đã khẳng định rằng: Sống và chiến đấu hằng ngày giữa bom đạn của địch, nhân dân ta càng tỏ ra ham học hơn bao giờ hết... Số học sinh và sinh viên của chúng ta tăng lên không ngừng, nhà trường của chúng ta đi sát thực tế; mở ra những triển vọng mới của nền Giáo dục Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gắn liền học với làm. Không những thế, Người còn đề xuất nhiệm vụ: phải có kế hoạch đào tạo một đội ngũ cán bộ có chất lượng cho sự nghiệp phát triển toàn diện của đất nước.

Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. (Ảnh: Tư liệu)
Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. (Ảnh: Tư liệu)
Miền Nam hoàn toàn được giải phóng, cả nước được thống nhất, sự nghiệp Giáo dục càng được cố Thủ tướng quan tâm. Cho đến bây giờ, nhìn lại những vấn đề mà Người yêu cầu đối với ngành Giáo dục ở thời điểm đó ta vẫn thấy nó còn mang tính thời sự và giá trị thực tiễn nóng hổi. Đó là yêu cầu: Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học… Cố Thủ tướng còn nhấn mạnh: Ngành Giáo dục và từng nhà trường phải xem việc cải thiện đời sống giáo viên, nhất là cải thiện điều kiện ăn, ở của giáo viên là yêu cầu quan trọng bậc nhất để bảo đảm dạy tốt, là một vấn đề thời sự nóng hổi có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết mọi vấn đề của sự nghiệp Giáo dục. Đề cập đến vai trò của người thầy, cố Thủ tướng khẳng định: Phải có đội ngũ giáo viên giỏi thì mới có chất lượng giáo dục cao... Cần có chính sách để tuyển được học sinh giỏi, có phẩm chất tốt vào các trường sư phạm... Một việc nữa cần giải quyết là tiêu chuẩn hóa giáo viên. Nước ta trước đây có nhiều hệ sư phạm, nay cần phấn đấu để sau một thời gian các giáo viên đều đạt tiêu chuẩn đào tạo đã quy định, tiến tới chỗ giáo viên cấp I phải có trình độ cao đẳng rồi trình độ đại học, giáo viên cấp II và cấp III phải qua Đại học sư phạm... Về thực trạng của học sinh, cố Thủ tướng trăn trở: Tại sao học sinh của mình mới 11-12 tuổi mà bận suốt ngày, bận hơn cả tôi nữa kia! Mình còn có thì giờ nghỉ ngơi một tý, nhưng học sinh thì không có thì giờ nghỉ ngơi. Đến bây giờ, lời của cố Thủ tướng như vẫn văng vẳng đâu đây: Ta đòi hỏi trò phải ham học, phải lễ phép, phải kính trọng cô giáo và thầy giáo, phải có đạo đức của người học trò; ta đòi hỏi giáo viên dạy phải ra dạy, học trò học phải ra học mà để cho trường lớp như hiện nay thì khó lắm. Về giáo dục đại học, sự trăn trở của cố Thủ tướng cho đến bây giờ vẫn còn nguyên đó tính thời sự, thậm chí, các yếu tố tiêu cực hình như còn có xu hướng gia tăng. Cố Thủ tướng cho rằng: Ngay như ở Mỹ, các trường đại học của nó cũng gắn với lao động sản xuất chặt chẽ lắm. Các trường đại học ký hợp đồng với các xí nghiệp lớn để nghiên cứu những cái gì đem lại cho nó nhiều lợi nhuận. Không phải chỉ về khoa học, về kỹ thuật, mà cả về kinh tế, về ngoại giao nữa… Học sinh mới ra trường dầu có bằng cấp gì cao bao nhiêu đi nữa cũng phải tham gia lao động sản xuất, để tự nó học hỏi thêm, tự nó xác định được sự hiểu biết của nó, và cũng từ đó mà làm cho tài năng được nảy nở. Đứng về mặt xã hội, điều quan trọng nhất là dùng học sinh tốt nghiệp vào việc có ích lợi, dùng nó vào việc mà mình đã bỏ tiền, bỏ gạo ra để đào tạo và nó đã bỏ sức ra để học tập, chứ không nên để ở cơ quan làm công việc hành chính. Về các thiếu sót trong giáo dục đại học, cố Thủ tướng chỉ rõ: Trước mắt, cần khắc phục cho được những sai lệch nổi cộm dưới đây: Chấm dứt việc mua bằng, mua chức, bán điểm.

Những gì mà cố Thủ tướng từng trăn trở, những gì đã và đang diễn ra trong thực tế hiện nay, thiết tưởng người viết không cần có sự bình luận nào thêm…

Nguyễn Thị Thọ


-----------------
TLTK: “Phạm Văn Đồng trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế”-NXB Chính trị quốc gia.


Ý kiến bạn đọc